1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng lương hưu cho nhiều đối tượng, lợi ích từ BHXH đa tầng

(Dân trí) - “Mô hình BHXH với ít nhất 3 tầng hướng sẽ tới toàn dân, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro” - ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, góp ý về nội dung xây dựng hệ thống BHXH đa tầng trong Đề án cải cách BHXH đang được trình Hội nghị Trung ương 7, Khoá XII.

Cần thiết để hỗ trợ an sinh

Theo ông Phạm Minh Huân, việc triển khai đang hệ thống BHXH đa tầng nhằm bảo phủ các đối tượng trong xã hội, đảm bảo được sự chia sẻ rủi ro và nguyên tắc toàn dân. Mô hình này về cơ bản có 3 tầng cụ thể: Tầng thứ nhất gọi là lương hưu xã hội cho người cao tuổi với nguồn tiền trợ cấp của Nhà nước; tầng thứ hai điều chỉnh nhóm có quan hệ lao động; tầng thứ ba là xây dựng chính sách lương hưu trí bổ sung tự nguyện.

“Thực tế hiện nay, tầng thứ nhất đã manh nha hình thành với chế độ trợ cấp cho người già trên 80 tuổi, đối tượng yếu thế. Dù việc thực hiện và độ bao phủ còn khiêm tốn. Nguồn kinh phí thực hiện của tầng này chủ yếu từ ngân sách Nhà nước” - ông Phạm Minh Huân cho biết.

Việc triển khai tầng thứ nhất nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc sử dụng nguồn ngân sách thuế và chia sẻ lại một phần phúc lợi cho đối tượng yếu thế.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, mô hình tầng thứ nhất được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Đặc biệt phổ biến ở các nước có kinh tế phát triển. Khi người lao động đến tuổi nghỉ, hết khả năng lao động mà không có BHXH thì nhà nước vẫn hỗ trợ.

pham minh huan

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Về lâu dài, ông Phạm Minh Huân cho rằng cần xem xét lại điều chỉnh đối tượng hỗ trợ trong việc “thiết kế” tầng thứ nhất.

“Không phải là trên 80 tuổi mới được hỗ trợ như hiện nay, Nhà nước có thể xem xét hạ độ tuổi nhận hỗ trợ xuống. Đương nhiên, điều này sẽ khiến số đối tượng gia tăng” - ông Phạm Minh Huân nói.

Tăng phúc lợi - tầng thứ 3

Nhận định về tầng BHXH thứ 3, ông Phạm Minh Huân cho rằng, tầng này còn có thể gọi là hưu trí bổ sung, chủ yếu đảm bảo nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động trong thực tế.

Tầng này được thực hiện nhiều ở những nước có nền kinh tế phát triển. Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH trước đây cho thấy, việc áp dụng hưu trí bổ sung đã được một số tập đoàn lớn của nước ngoài thực hiện ở VN, chủ yếu hướng tới nhân sự cấp cao. Đây như là một hình thức "giữ chân" người có năng lực bằng công cụ tài chính, phúc lợi.

“Ngoài việc tham gia BHXH bắt buộc, người lao động có nhu cầu tham gia nhiều hơn để sau này về hưu hưởng ở mức cao hơn. Ở các nước kinh tế phát triển, họ khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động thực hiện điều này. Hai bên đóng góp hoặc người sử dụng lo hết cho người lao động” - ông Phạm Minh Huân giải thích thêm.

Tuy nhiên, điều quan trọng trong triển khai xây dựng tầng thứ 3 là sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc ban hành khung pháp lý.

“Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ thông qua chính sách thuế. Những khoản họ tham gia thì phải được giảm thuế, miễn thuế để khuyến khích họ tích kiệm tiêu dùng, tích lũy lại” - ông Phạm Minh Huân nói.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, việc tích lũy nhằm hai mục đích: “Hình thành quỹ, quỹ này mang tiền cho vay phát triển kinh tế. Hai là khi nó tích thành tài khoản cho người tham gia thì khi hết tuổi lao động hoặc gặp vấn đề gì thì người lao động được rút ra khoản đó theo thoả thuận”.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Ở nước ta, các tập đoàn lớn đã làm rồi nhưng còn thiếu khuôn khổ pháp lý. Trong giai đoạn xây dựng Luật BHXH năm 2014, chúng tôi đã cố đưa vào được một điều khoản. Sau đó Chính phủ mới ban hành Nghị định. Nhưng hiện nay ưu đãi thuế đang thấp, chưa kể việc phân định chưa rõ ràng về trách nhiệm liên đới của các Bộ liên quan…”

Tầng BHXH thứ 2 - rất quan trọng

Theo ông Phạm Minh Huân, muốn giảm sức ép cho tầng thứ nhất thì đòi hỏi sự vững mạnh của tầng thứ 2. Nguồn tài chính của tầng thứ 2 được huy động sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Sau này dự kiến mở cả ra khu vực phi chính thức.

Ở các nước thì khu vực không có quan hệ lao động cũng tham gia tầng này. Đặc biệt, việc tham gia là bắt buộc chứ không phải tự nguyện.

“Việc này dựa trên quan điểm, người lao động khi có việc làm, có thu nhập bất kể ở đâu thì phải tích lũy vào nhằm phòng khi rủi ro, khi hết tuổi lao động thì hưởng. Đây là cách để đỡ đi phần nào sức ép tới tầng thứ 1 khi phải lấy kinh phí từ thuế, ngân sách” - ông Phạm Minh Huân nói.

Tuy nhiên còn nhiều thách thức trong triển khai bao phủ đối tượng ở tầng thứ 2.

Ông Phạm Minh Huân cho biết: “Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mới có 13,6 triệu người tham gia, chỉ chiếm hơn 20% trong tổng số người trong độ tuổi lao động. Trong khi cả nước có trên 50 triệu người trong độ tuổi lao động”.

Từ thực tế trên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Chúng ta cần xây dựng linh hoạt hơn về chính sách. Không chỉ quy định đóng ở mức cao thì hưởng cao, chúng ta có thể tùy thu nhập người đóng để xây dựng mức hưởng phù hợp. Không có khả năng đóng cao thì có thể đóng thấp, sau này hưởng thấp. Thấp còn hơn không.

Nhận định về phương án đóng BHXH 15 sau đó có lương hưu, ông Phạm Minh Huân cho rằng: Đây không là quy định có tính mới mẻ. Điều này đã được thực hiện trước đây. Hiện giờ quy định nâng lên 20 năm, nhưng lẽ phải theo hướng linh hoạt để phù hơp với thực tế hơn.

Hoàng Mạnh