1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Săn chuột sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Thời gian qua, việc bảo vệ nguồn gen quý sâm Ngọc Linh được duy trì nghiêm ngặt. Ngoài việc sâm Ngọc Linh bị các đối tượng trộm cắp, phá hoại thì còn nhiều yếu tố tự nhiên, trong đó có chuột sâm.

Ông Hồ Văn Du năm nay 57 tuổi, là một trong những già làng có tiếng nói với bà con đồng bào Xê Đăng tại thôn 2 xã Trà Linh, Nam Trà My. Ông có 35 năm kinh nghiệm trong việc trồng sâm, giờ đây ông vẫn miệt mài với việc bảo tồn và nhân giống cây sâm quý này.

Vườn sâm của ông có diện tích 2ha với nhiều độ tuổi khác nhau. Hàng ngày, ngoài việc kiểm tra các yếu tố tác động đến vườn cây, ông Du còn chú ý đặt bẫy để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra.

Ảnh: Lữ Phúc Hoàng.
Ảnh: Lữ Phúc Hoàng.

Trong đó, độc đáo nhất là bẫy đá. “Đối với loại bẫy này, mình phải bỏ mồi, trái cây hoặc bắp, chuột vào ăn mồi sẽ khiến miếng đá sập xuống, không con nào thoát được” - ông Du nói. Ngoài bẫy đá dưới đất, ông còn sử dụng bẫy sắt đặt dưới gốc cây, đây là loại bẫy do ông mua dưới đồng bằng rồi tự cải tiến cho phù hợp với địa hình ở đây. Loài chuột ăn sâm thường sống ẩn nấp trên cây cổ thụ rất khó phát hiện, buổi tối là thời điểm chuột đi kiếm ăn, cho nên ông chế thêm bẫy treo đặt trên các nhánh cây làm bằng tre lồ ô.

Ông Du cho biết: “Chuột sâm có lông vàng, thịt mềm, rất sạch. Chúng thường xuất hiện vào mùa cho hạt, nhưng thiệt hại nhất là đào đất gặm nhấm củ sâm dẫn đến tình trạng thối củ và hư cả cây sâm”.

Ở vùng sâm Ngọc Linh, nhiều chủ vườn sâm cũng đặt bẫy hoặc đi săn chuột sâm. Ảnh: Vũ Trung.
Ở vùng sâm Ngọc Linh, nhiều chủ vườn sâm cũng đặt bẫy hoặc đi săn chuột sâm. Ảnh: Vũ Trung.

Thời điểm chuột sinh sản mạnh nhất là vào mùa mưa, thường chúng chọn những gốc cây cổ thụ trong vườn sâm để làm ổ và thức ăn chính của chúng là sâm. Ngoài chuột vàng thì còn một loại chuột nữa có hình dáng to hơn, lông màu đen, đồng bào gọi là chuột ni. Anh Nguyễn Văn Lượng tại nóc Luông Giang, thôn 2, Trà Linh sau một đêm bảo vệ vườn sâm gia đình đã bẫy được một chú chuột ni to bằng bắp tay.

“Vào mùa ăn hạt mình phải gài đến cả trăm cái bẫy, có tối trúng đến chục con. Trung bình chuột ăn một cây có 40 - 50 hạt và ít nhất 10 cây; 10 cây mất 500 hạt rồi, một đêm mất 10 - 20 triệu đồng. Chưa kể, nếu chuột đi thành đàn thì có thể ăn đến khoảng 4 lon hạt sâm trong một đêm, ước thiệt hại có khi cả 100 triệu đồng” - anh Lượng nói.

Vì là loại chuột ăn sâm nên thịt chuột rất bổ cho sức khỏe con người. Chính vì thế mà người đồng bào Xê Đăng tại đây coi nó là một món ăn đặc biệt dành để đãi các vị khách quý đến thăm nhà. Chuột sâm được chế biến thành nhiều món khác nhau, đồng bào thường thui lông trước rồi rửa sạch và mổ bỏ ruột. Sau đó, tùy theo từng khẩu vị, sở thích mà có những cách chế biến như chiên, luộc, nấu canh với lá chua. Đặc biệt, thịt chuột sâm tẩm ướp gia vị với củ kiệu rồi nướng than thì ngon không gì bằng. Thịt chuột sâm rất thơm và giòn.

Một con chuột sâm đã bị chủ vườn, thợ săn tóm gọn. Vũ Trung.
Một con chuột sâm đã bị chủ vườn, thợ săn tóm gọn. Vũ Trung.

Sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý hiện được bảo vệ nghiêm ngặt tại núi Ngọc Linh. Vì là cây thuốc quý hiếm nên việc trộm cắp thường xảy ra, đặc biệt thời gian gần đây đã có nhiều vụ trộm sâm Ngọc Linh được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.

Việc bảo tồn gen, phát triển sâm Ngọc Linh đã khó, bên cạnh đó công tác bảo vệ càng khó hơn. Ngoài việc sâm Ngọc Linh bị các đối tượng trộm cắp, phá hoại thì còn nhiều yếu tố tự nhiên trong đó có chuột sâm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bà con đã chế ra các loại bẫy độc đáo, phù hợp với đặc tính của loài này như bẫy đá, bẫy treo.

Theo Danviet.vn