1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi: Ra khơi xem ngư dân lặn bắt ốc kiếm tiền triệu

(Dân trí) - Dò dẫm dưới đáy biển khoảng 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhiều ngư dân huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) có thể kiếm được tiền triệu từ các loại ốc đặc sản bắt được.

Ra khơi xem ngư dân lặn bắt ốc kiếm tiền triệu

Tầm 7h sáng, khi nước biển trong và ấm, ngư dân Nguyễn Quyền (xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) bắt đầu ra khơi lặn ốc.

Ra cách bờ hơn 1 hải lý, ngư dân Quyền ngậm ống hơi, mang thắt lưng chì nặng 10 kg rồi lao xuống biển. Vùng biển này có độ sâu từ 10 - 12 m.

Ông Nguyễn Quyền mang thắt lưng chì 10 kg rồi ngậm ống hơi lao xuống biển lặn bắt ốc
Ông Nguyễn Quyền mang thắt lưng chì 10 kg rồi ngậm ống hơi lao xuống biển lặn bắt ốc

Hơn 1 tiếng sau, ông Quyền ngoi lên khỏi mặt nước cho chúng tôi xem "chiến lợi phẩm" là một bao ốc gồm ốc nhảy và ốc gai. "Có chú đi cùng nên tôi mới lên chứ bình thường chúng tôi lặn hơn 2 tiếng mới lên một lần", ông Quyền cho biết.

Ông Quyền ngoi lên mặt nước sau hơn 1 giờ đi bộ dưới đáy biển bắt ốc
Ông Quyền ngoi lên mặt nước sau hơn 1 giờ "đi bộ" dưới đáy biển bắt ốc

Chỉ vào những con ốc có "chân" đang nhảy trong chiếc vợt, ông Quyền bảo đó là "ốc nhảy". Loài ốc này khá đặc biệt vì phần thịt nhô ra ngoài lớp vỏ giống như đôi chân nên ốc có thể "nhảy" được rất nhanh.

Loài ốc nhảy rất khó bắt vì dưới đáy biển chúng rất linh hoạt, người bắt ốc phải đuổi theo rồi dùng vợt hoặc dùng tay để bắt từng con. Đối với loại ốc gai thì chỉ cần dùng tay nhặt vì loài ốc này di chuyển chậm.

"Ra khơi từ sáng sớm đến khoảng 1 giờ chiều là vào bờ bán ốc. Trung bình mỗi ngày bắt được tầm 10 kg, có những hôm trúng thì nhiều hơn. Vào bờ là có người đến mua, ốc gai có giá 60 ngàn đồng mỗi kg, còn ốc nhảy thì 100 ngàn đồng. Nếu hôm nào trúng cũng kiếm được tiền triệu đấy", ông Quyền nói rồi lại ngậm ống hơi lao xuống biển.

Trung bình mỗi ngày ngư dân bắt được 10 kg ốc nhảy và ốc gai.
Trung bình mỗi ngày ngư dân bắt được 10 kg ốc nhảy và ốc gai.

Quá trưa, những chiếc thuyền của ngư dân lặn ốc bắt đầu vào bờ. Ông Nguyễn Tú là người vào bờ sớm nhất vì hôm nay nước biển lạnh sớm hơn mọi hôm.

Theo ông Tú, tầm qua trưa là nước biển bắt đầu lạnh, lúc đó người lặn ốc phải nghỉ vì nước lạnh có thể gây nguy hiểm cho người lặn ốc ở độ sâu lớn. Mặt khác, nước biển vào thời điểm đó không còn trong như buổi sáng nên rất khó tìm được ốc dưới đáy biển.

Sau một buổi dò dẫm dưới đáy biển, ông Tú bắt được 8 kg ốc, tuy nhiên chỉ có gần 2 kg ốc nhảy còn lại là ốc gai. Tính ra ông Tú cũng "bỏ túi" gần 600 ngàn đồng.

Loài ốc nhảy khá đặc biệt vì phần thịt nhô ra ngoài lớp vỏ giống như đôi chân nên ốc có thể nhảy được rất nhanh
Loài ốc nhảy khá đặc biệt vì phần thịt nhô ra ngoài lớp vỏ giống như đôi chân nên ốc có thể "nhảy" được rất nhanh

Vùng biển xã Đức Minh nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, tuy nhiên loài ốc nhảy chính là đặc sản được săn lùng nhiều nhất bởi chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây loại ốc này ngày càng khan hiếm.

"Không phải bắt nhiều nên hết đâu mà do tàu giã cào phá quá nên ốc nhảy không còn bao nhiêu nữa. Giờ trúng lắm cũng được tầm 3 - 4 kg ốc nhảy, còn lại là ốc gai. Dù nghề này cực nhưng thu nhập cũng khá nên ở đây có hàng trăm người làm", ông Tú phân trần.

Tiểu thương chờ sẵn trên bờ để phân loại, mua ốc của ngư dân với giá 100 ngàn đồng/kg ốc nhảy, 60 ngàn đồng/kg ốc gai
Tiểu thương chờ sẵn trên bờ để phân loại, mua ốc của ngư dân với giá 100 ngàn đồng/kg ốc nhảy, 60 ngàn đồng/kg ốc gai

Mùa ốc kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 8 âm lịch. Đây là thời điểm nước ấm, biển êm thuận lợi cho việc lặn bắt ốc. Tất cả các loại ốc vừa được đánh bắt mang lên bờ là có người mua, riêng ốc nhảy đang được "săn lùng" vì sản lượng ngày càng ít.

Quốc Triều