1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam sẽ chi trả hỗ trợ người lao động gặp khó khăn từ ngày 15/7

(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả cho nhóm đối tượng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngày 8/7, ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, cho biết: Sở vừa ban hành văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo ông Trần Văn Chiến, hiện nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với những người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Quảng Nam sẽ chi trả hỗ trợ người lao động gặp khó khăn từ ngày 15/7 - 1

Hội An chi trả gói an sinh cho người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội…

Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng còn chậm, số người được hỗ trợ chưa nhiều.

Để đảm bảo hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đề nghị các địa phương chỉ đạo các xã, phường và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xét duyệt, thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ.

Sở yêu cầu chú trọng nhất là hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. 

Về thủ tục, các địa phương cần tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đúng quy định, nhất là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động.

Quảng Nam sẽ chi trả hỗ trợ người lao động gặp khó khăn từ ngày 15/7 - 2

Ông Trần Ngọc Hưng - Phó Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn - cho biết, hiện danh sách các đối tượng lao động trên địa bàn đã xong. Từ 15/7 tới sẽ bắt đầu chi trả.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hưng, Phó Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn, cho hay, vướng mắc lớn nhất đối với các lao động tạm hoãn hợp đồng do dịch là báo cáo doanh thu và báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong năm 2019 và quý 1/2020.

“Đây là điều kiện rất khắt khe và rất khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có lãi thì đối tượng là người lao động không được hưởng hỗ trợ. Doanh nghiệp không đủ điều kiện nên người lao động cũng không tiếp cận được gói hỗ trợ này”, ông Hưng nói.

Đối với nhóm lao động không giao kết hợp đồng, từ khi triển khai, qua ý kiến của địa phương, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có công văn mô tả hết nhóm ngành, như: bán hàng rong (ở đâu, loại hình nào).

Ông Hưng cho biết, hiện nay, địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của người lao động. Thực tế cũng có nhiều người bán hàng quán, bốc vác nhưng rất khó xác định địa điểm như trong quy định của Bộ.

Dự chi 15 tỉ đồng

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn, từ những vướng mắc trong thực tế đặt ra, những vướng mắc khó khăn trong việc hướng dẫn, kê khai, lập danh sách trong việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, đến bây giờ Điện Bàn đã được tháo gỡ.

Trên cơ sở đó, thị xã Điện Bàn đã có văn bản chỉ đạo cho ngành LĐ-TB&XH và các địa phương tập trung hoàn thành hướng dẫn kê khai, xác lập thủ tục và tiến hành chi trả cho các đối tượng này vào ngày 15/7 đến.

“Với trách nhiệm của mình, lãnh đạo thị xã Điện Bàn phối hợp với các ngành, địa phương hết sức tập trung, sớm chi tiền cho người dân sớm ngày nào tốt ngày đấy”, ông Nguyễn Xuân Hà nói.

Đối với nhóm đối tượng giao kết hợp đồng nhưng chấm dứt hợp đồng lao động, lao động phổ thông, lao động tự do…thị xã Điện Bàn thống kê có hơn 10.000 lao động với số tiền nhận hỗ trợ khoảng 15 tỉ đồng.

Công Bính