Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng

(Dân trí) - Nhờ mô hình nuôi cá lóc trên cát, khoảng 100 hộ dân tại xã bãi ngang Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tìm được hướng phát triển kinh tế thoát nghèo. Mỗi năm 2 vụ cá, trừ chi phí, mỗi hộ cũng thu lãi cả trăm triệu đồng.

Xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là vùng bãi ngang ven biển, người dân sinh sống trên các vùng cát trắng nên kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Từ bao đời nay, người dân địa phương này gắn bó với những con thuyền có công suất nhỏ để thực hiện việc đánh bắt hải sản vùng lộng. Thế nhưng khi lượng hải sản ngày càng khan hiếm khiến thu nhập của người dân tương đối thấp, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao.

Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng - 1

Hồ nuôi cá lóc trên cát tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy.

Để tìm hướng phát triển kinh tế thoát nghèo, nhiều hộ dân tại địa phương này đã tìm cách nuôi trồng thủy sản, trong đó có nghề nuôi cá lóc trên cát. Họ học tập kinh nghiệm, đầu tư bài bản, con cá lóc cũng thích nghi với môi trường trên vùng đất cát nên cuộc sống của bà con ngư dân khấm khá hơn, từng bước vươn lên làm giàu.

Nghề nuôi cá lóc đang dần mở rộng, trở thành công việc thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân tại xã Ngư Thủy Bắc cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương này.

Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng - 2

Việc nuôi cá lóc trên cát đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân bãi ngang.

Có thể nói, đây là thành công lớn nhất của xã Ngư Thủy Bắc khi chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho ngư dân vùng biển.

Nghề nuôi cá lóc nơi đây có khá nhiều điều kiện thuận lợi như: nguồn nước trong cát dồi dào; chi phí để đào một hồ cá thấp hơn nhiều so với những địa phương khác do địa hình ở đây toàn cát; cá lóc là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn “phế phẩm” của nghề biển (cá vụn, cá nhỏ...)

Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng - 3

Nghề nuôi cá lóc tại Ngư Thủy Bắc có khá nhiều điều kiện thuận lợi.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Trần Kim Phi (SN 1977), trú thôn Bắc Hòa là người có diện tích hồ nuôi cá lóc lớn nhất xã Ngư Thủy Bắc và có trên 20 năm nuôi cá lóc. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc nuôi cá lóc, anh Phi đã đến từng hộ để truyền đạt, hỗ trợ bà con phát triển mô hình này.

“Nuôi được cá lóc không phải dễ bởi chúng có rất nhiều bệnh. Chúng tôi phải đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ và tự phòng bệnh, tự mua thuốc, tự xử lý cho đàn cá. Gia đình tôi thả nuôi 30 vạn cá lóc trên 1ha ao hồ, hiện giá bán 45.000-50.000/kg. Mỗi tấn cá trừ chi phí, người nuôi cá thu về gần 12 triệu đồng. Vụ mùa vừa qua, gia đình tôi thu nhập 300 triệu đồng từ thu hoạch cá,” anh Phi cho biết.

Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng - 4
Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng - 5

Nhiều hộ dân đang dần thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cá lóc.

Với các hộ nuôi nhỏ lẻ như gia đình ông Võ Văn Khiêm (SN 1969), trú thôn Bắc Hòa cũng cho thấy hiệu quả kinh tế mà nghề nuôi cá lóc mang lại. Gia đình ông Khiêm chỉ có 2 ao nuôi với số lượng chưa đến 5 vạn con. Thế nhưng mỗi năm 2 vụ cá, trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

“Trước đây tôi đi biển gần bờ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sau khi chuyển sang nghề nuôi cá lóc, có đầu ra ổn định đã bớt vất vả hơn nhiều. Ở đây rất nhiều người chọn nghề nuôi cá lóc này để thoát nghèo đi lên”, ông Khiêm chia sẻ.

Quảng Bình: Dân bãi ngang thoát nghèo nhờ ...nuôi cá lóc trên vùng cát trắng - 6

Trong 9/2019, toàn xã xuất được 137 tấn cá lóc.

Ông Trần Quang Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc cho biết, hiện trên địa bàn có 100 hộ nuôi cá lóc trên cát. Trong 9/2019, toàn xã xuất được 137 tấn cá lóc.

Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, trung bình mỗi hộ thu về 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các chi phí.

Chính nhờ nghề nuôi cá lóc trên cát, nhiều ngư dân của xã Ngư Thủy Bắc đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích người dân sử dụng bạt lót để nuôi nhằm tiết kiệm nguồn nước, dễ khử trùng và xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Tiến Thành