1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Qua ngày tháng bĩ cực, lão ngư này giờ có 5 tàu to trị giá 60 tỉ đồng

Sở hữu 5 tàu đánh bắt xa bờ với tổng trị giá 60 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Ái (SN 1950, trú làng Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) hiện là ngư dân có tiếng tăm ở dải đất miền Trung. Ít ai biết lão ngư này chỉ học đến lớp 9 và đã từng trải qua những ngày tháng bĩ cực của cuộc đời.

Bán ghe, bỏ biển vì nghĩa tình với vợ

Sinh ra ở làng biển Mỹ An, 19 tuổi Nguyễn Văn Ái đã tự tay cầm lái ghe máy 12 CV đánh bắt gần bờ. Mỗi ngày ghe của Ái chỉ thu được vài mẻ cá cơm, cá nục để lo bữa ăn, có hôm trúng lắm mới dám mang ra chợ đổi gạo.

Các thuyền viên trên tàu của ngư dân Nguyễn Văn Ái đang đánh bắt xa bờ. Ảnh: Dũ Tuấn
Các thuyền viên trên tàu của ngư dân Nguyễn Văn Ái đang đánh bắt xa bờ. Ảnh: Dũ Tuấn

Năm 2016, ngư dân Nguyễn Văn Ái vinh dự được trao danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp T.Ư giai đoạn năm 2012 - 2016.

Năm 1972, ông Ái lập gia đình thế nhưng khổ nỗi, vợ ông là bà Nguyễn Thị Lằm (quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa) cứ đau ốm liên miên. Cả gia đình sống chen chúc trong mái nhà chật hẹp, tiền thuốc, tiền ăn, chi phí sinh hoạt... tất cả đều trông chờ vào việc đánh bắt của chiếc ghe bé tẹo.

Sau khi sinh đứa con thứ 3, bệnh bà Lằm càng nặng hơn, phải nằm liệt một chỗ. Để có tiền lo cho vợ, ông Ái đã quyết định từ bỏ giấc mơ đi biển, bán chiếc ghe là tài sản đáng giá nhất của gia đình.

“Số tiền bán ghe khi ấy chỉ khoảng 70.000 đồng, chẳng bõ bèn gì so với tiền chạy chữa căn bệnh hiểm nghèo của vợ tôi. Trong nhà chẳng còn thứ gì đáng giá, tôi đành dỡ hết những tấm tôn lợp trên mái nhà xuống bán để tiếp tục thuốc thang cho vợ. Nhìn cả gia đình sống cảnh màn trời chiếu đất ngay trong ngôi nhà của mình, tôi đã khóc, nhưng chỉ dám khóc lén vợ, chứ để bả thấy bả tủi thân thì tội” - ông Ái nhớ lại.

Thấy bệnh của vợ ngày càng nặng thêm, ông Ái liền đưa bà về Cam Ranh để chạy chữa. Không có tiền thuê xe, ông phải nhờ người thân trong làng khiêng bà Lằm lên ga Phù Mỹ, rồi từ đó đi bộ theo đường tàu lửa về Cam Ranh.

Ông Ái kể: “Đó là những tháng ngày đáng nhớ trong đời tôi. Mệt mỏi, bất lực nhưng cứ nghĩ đến vợ con là thôi thúc tôi đi. Phải mất 3 ngày 3 đêm, mới đưa được vợ về đến Cam Ranh. Cả nhóm thay phiên nhau khiêng, đi cả ngày cả đêm, vì trên đường tàu lửa có chỗ nào đâu mà nằm ngủ. Có đoạn đến bờ ta-luy hẹp mà tàu lửa đang hụ còi chạy tới, chúng tôi dạt xuống ruộng để tránh bị tàu tông. Tàu đi qua, cả nhóm lại khiêng vợ tôi lên đi tiếp”.

Khoảng thời gian sau đó, ông Ái bỏ biển, ở nhà chăm sóc vợ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chồng cộng với việc uống đúng thuốc, một năm rưỡi sau bà Lằm khỏi hẳn bệnh. Vui mừng, gia đình vợ sắm tặng cho ông Ái chiếc ghe 12CV để trở lại với biển. Đây chính là cột mốc thay đổi cuộc đời ông.

Trở về vẫy vùng với tình yêu của biển

Được trở lại với biển như được “sống lại” lần nữa, ông Ái cặm cụi làm ăn, dành dụm. Năm 1985, ông bán chiếc ghe 12CV, dồn vốn đóng được chiếc ghe mới có công suất 30CV. Cứ thế gia đình làm ăn tấn tới, ông từng bước mua đổi ghe lên 190CV, rồi 370CV... Năm 2010, ông Ái đã hướng đến việc đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

Ngư dân Nguyễn Văn Ái và con trai út. Dũ Tuấn
Ngư dân Nguyễn Văn Ái và con trai út. Dũ Tuấn

Vượt qua khó khăn, ngư dân Nguyễn Văn Ái đã vươn lên làm giàu từ tình yêu biển đảo… Ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định. Đây là tấm gương đáng để học hỏi” - ông Quách Hồng Dục - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định

Ông chia sẻ: “Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, để sắm được con tàu đánh bắt xa bờ phải mất 4 - 5 tỷ đồng. Tôi lặn lội đi mượn bạn bè, vay ngân hàng, chòm xóm để có tàu, nhưng ngặt nỗi khi ấy đánh bắt chưa có kinh nghiệm nên thua lỗ liên tục. Mãi đến năm 2011, công việc mới ổn định, mỗi năm tôi thu về 1 tỉ đồng. Từ tích góp dành dụm, hiện nay gia đình tôi có 5 chiếc tàu trị giá 60 tỷ đồng, mỗi chiếc 400CV, giải quyết việc làm cho 75 lao động với lương tháng từ 10 - 15 triệu đồng/người”.

Nhìn bảng thu nhập của gia đình ông Ái, nhiều người không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ. Năm 2012 tổng thu nhập của gia đình ông là 27 tỉ đồng, năm 2013 là 29 tỉ..., đến năm 2016 tăng vọt lên 55 tỉ đồng.

Nói về “bí kíp”, ông Ái xuề xòa: “Có gì đâu, nhà nước đã có chính sách đầu tư đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngư dân khâu đánh bắt, thu mua... Tôi tập trung nghiên cứu và tiếp thu những kiến thức đó để làm ăn. Ngoài ra, bản thân phải mạnh dạn, quyết đoán đầu tư phương tiện hiện đại đánh bắt an toàn và hiệu quả”.

Bây giờ cả 6 người con trai của vợ chồng ông Ái đều có bằng thuyền trưởng, máy trưởng và 4 người đang trực tiếp lèo lái tàu cá của gia đình. Trải qua biết bao thăng trầm trên biển, lão ngư Nguyễn Văn Ái rút ra nguyên tắc: “Đánh bắt đúng ngư trường, không xâm phạm nước bạn thì mới tồn tại được với nghề. Đạo của nghề biển là tương thân tương ái. Trong bờ giúp nhau một, ngoài biển giúp nhau mười mới mong vượt qua tai nạn nghề nghiệp”.

Anh Nguyễn Minh Vương (con trai ông Ái) nhớ lại, năm 2009 tàu anh đã cứu 28 ngư dân của một tàu câu mực Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm vỡ đôi trên vùng biển phía nam Trường Sa. Khi bị vỡ chìm, tàu chỉ có 3 người, trong lúc 25 người đang dùng thuyền thúng đi câu mực tản mát giữa khơi. Nghe điện đàm khẩn cứu, anh Vương cho tàu đến vớt từng người, rồi bỏ ngang chuyến biển, đưa cả đoàn bị nạn vào bờ. Gần 50 người cùng đồ đạc chật kín cả khoang tàu, bếp liên tục đỏ lửa, mấy chiếc nồi nối nhau nấu cơm suốt mấy ngày.

Về đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), anh Vương còn mua 28 bộ áo quần, giày dép và đưa 5 triệu đồng để anh em tàu bị nạn thuê xe về Quảng Ngãi. Chủ tàu bị nạn vô cùng cảm kích, sau đó gửi quà hậu tạ nhưng gia đình ông Ái nhất quyết từ chối.

Theo Danviet.vn