1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Trung Thi

(Dân trí) - Đa số người đồng bào dân tộc ở Phú Yên có đời sống khó khăn vì vậy trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho người dân nơi đây vay vốn…tạo sinh kế giúp họ thoát nghèo bền vững.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ nhưng có tới 31 dân tộc cùng sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi của tỉnh này. Đa số người đồng bào có đời sống kinh tế khó khăn, có nơi thiếu ăn, thiếu mặt.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 1

Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ nghèo được vay vốn để chăn nuôi, tăng gia sản xuất

Trước tình hình đó, trong nhiều năm trở lại đây, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Phú Yên đã thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo nói chung và người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong rất nhiều chính sách, thì chính sách hỗ trợ vay vốn được ưu tiên thực hiện để giúp người nghèo có tiền mua gia súc chăn nuôi, tăng gia sản xuất…tạo sinh kế giúp người nghèo thực sự thoát nghèo.

Thay da đổi thịt vùng quê nghèo

Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi trở về thăm xã Krông Pa - một xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là xã có 2/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 2

Nhiều hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tiền cất nhà kiên cố

Đường về buôn Học, buôn Lé của xã Krông Pa nay không còn là con đường đất sét sình lầy vào mùa mưa, bụi mịt mù những ngày nắng như xưa, mà đã được đổ bê tông phẳng lỳ. Những căn nhà sàn của đồng bào Chăm H’Roi, Ê Đê được lợp ngói đỏ. Dọc bên đường là cánh đồng lúa chín chuẩn bị cho thu hoạch.

Cùng đi với đoàn, chị Ksor H Prới, Chi hội trưởng Hội phụ nữ buôn Học miệng vui vẻ khoe: “Làng mình giờ bớt nghèo rồi. Nhà nhà đều có lúa để ăn quanh năm, mọi người nuôi thêm gà, thêm lợn…nên không sợ đói nữa. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều hộ được cấp bò nuôi để sinh sản bán nữa, nên ai cũng khá, dân mừng lắm”

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 3

Những đồng lúa chín vàng sắp thu hoạch, đảm bảo người đồng bào ở miền núi đủ ăn

Theo chân chị Ksor H Prới, chúng tôi đến gia đình anh Hving H Điếp ở buôn Học, xã Krông Pa. Anh H Điếp từng là hộ nghèo, thiếu cái ăn, cái mặc…trước tình hình đó, năm 2012 anh được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn mua bò, năm 2015 anh vươn lên hộ cận nghèo, rồi thoát nghèo vào năm 2019.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 4

Từ 30 triệu vay ở ngân hàng chính sách để mua bò, anh Hving H Điếp thoát nghèo và đến nay sở hữu đàn bò 9 con

“Từ lâu tôi đã ước mơ có một con bò để phát triển kinh tế gia đình, bởi nhiều hộ dân ở Krông Pa đã bớt nghèo nhờ nuôi bò. Đến năm 2012, nhà nước quan tâm cho tôi vay 30 triệu để mua 2 con bò, từ đó bò sinh sản, tôi bán dần những con bò đực để có cái ăn, cái mặc…bò cái thì tôi để lại làm giống, đến nay đàn bò của gia đình được 9 con.

Giờ cái nghèo không còn nữa thì tôi sẽ tăng đàn để nuôi thêm. Vốn vay để chăn nuôi thì không phải lo vì ngân hàng chính sách đã hỗ trợ, lãi suất rất ưu đãi. Cái chính là mình phải chịu khó làm ăn.” - Hving H Điếp vui vẻ chia sẻ.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 5

Ngoài anh Hving H Điếp, nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số cũng thoát nghèo nhờ nuôi bò

Gia đình Hving H Điếp chỉ là một trong số những hộ thoát nghèo của xã Krông Pa. Nếu như đầu năm 2019 xã có 394 hộ/867 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo 45,44%) thì đến nay có 63 hộ đã thoát nghèo (tỷ lệ giảm 8%); số hộ tái nghèo 01.

Tỷ lệ hộ thoát nghèo tăng là nhờ việc nhiều người dân đã tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Tiếp tục quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thụ hưởng đầy đủ các chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, thực hiện chính sách giảm nghèo.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 6

Trong thời gian đến Phú Yên chú trọng đến công tác cho người nghèo vay vốn, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững

Đối với nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên tính đến 30/6/2020 là hơn 3 tỷ đồng, tăng hơn 1,8 tỷ đồng so với 31/12/2010.

Hiện nay kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (bình quân mỗi năm giảm từ 4-5%).Thu nhập bình quân đầu người khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 14 triệu đồng/người/năm (riêng đồng bào dân tộc thiểu số 8-10 triệu đồng/người/năm).

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên: Với nhiều cố gắng của các cấp các ngành, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Yên giảm từ 1,6% năm 2016 xuống còn 2,5% năm 2020 và hoàn thành được Nghị quyết của đảng bộ tỉnh đề ra. Chương trình giảm nghèo 2021-2025 trong đó sẽ tập trung thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội và đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phú Yên: Tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững - 7

Ngoài hỗ trợ vay vốn, Phú Yên sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững để nhiều người nghèo cùng thực hiện

“Trong thời gian đến Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chương trình giảm nghèo 2021-2025 trong đó sẽ tập trung: Thứ 1, sẽ tiếp tục triển khai các chính sách về an sinh xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số..." - ông Binh nói.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát xác định những hộ nghèo, cận nghèo có những điều kiện sản xuất, để các cơ quan chức năng làm việc với hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn tăng gia sản xuất, mở rộng quy mô kinh tế…từ đó mà thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, tỉnh sẽ quan tâm đến chương trình về hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng kết đánh giá những mô hình có hiệu quả, đạt lợi nhuận cao để từ đó giới thiệu cho nhiều người nghèo thực hiện...

Mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Phú Yên trong giai đoạn 2021-2015 được đặt ra là bình quân mỗi năm giảm 1,5 đến 2% hộ nghèo (theo chuẩn mới khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành). Riêng tại các xã nghèo, khu vực miền núi bình quân giảm từ 2,5 đến 3% hộ nghèo/năm.