Phụ nữ cửu vạn: "Cơm nỏ có ăn nói chi hoa hòe!..."

Chắc ai nghe cũng buồn. Nghèo chỉ mong có cơm ăn, sinh nhật chẳng biết huống chi lễ lạt. Giàu mới sinh lễ nghĩa, viện đủ thứ ngày để ăn diện, chơi bời và nhảy tứng lừng lựng. Có lẽ, quà quốc tế phụ nữ ngày 8 tháng 3 với những người phụ nữ cửu vạn ở thành Vinh vẫn là một ngày nai lưng làm lụng cật lực!...

Giấc ngủ không tròn trên phố- Ảnh: Niềm Phạm.
Giấc ngủ không tròn trên phố- Ảnh: Niềm Phạm.

Bất chấp mọi thời tiết, dù nắng hay mưa hàng trăm phụ nữ làng Mai Lộc (xã Hưng Lộc, Nghệ An) vẫn hàng ngày bám trụ tại các ngã tư, ngã ba làm nghề cửu vạn mưu sinh.

Mới sáng sớm, nhưng ở làng Mai Lộc đã “cửa đóng then cài”… Trong làng dường như chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Hơn 20 năm qua kể từ lúc nghề sông nước và dệt chiếu biến mất, lại không có đất để sản xuất; người dân làng Mai Lộc đã phải chuyển sang làm nghề cửu vạn kiếm tiền mưu sinh.
'Chợ người' ở thành phố Vinh- Ảnh: Niềm Phạm.
'Chợ người' ở thành phố Vinh- Ảnh: Niềm Phạm.
Đàn ông con trai có sức khỏe thì vay mượn mua cái xe máy cũ chạy xe ôm, người đi bốc vác ở ga tàu Vinh, đi thợ xây thợ hồ… Còn phụ nữ sắm đôi quang gánh lên thành phố Vinh ngồi chờ người ta đến thuê việc để kiếm sống.

Đều đặn hàng ngày như thế từ 5h sáng đến tận đêm, hàng trăm phụ nữ ở đây lại gồng gánh cùng nhau vào trung tâm thành phố để mưu sinh. Ai thuê gì làm nấy miễn là có thu nhập chính đáng, nhưng cũng không dễ dàng gì khi nhiều ngày công cốc chờ đợi cả ngày không ai thuê.

Ở một góc phố, cũng như nhiều buổi sáng khác, bà Nguyễn Thị Tâm (57 tuổi) lại buồn thiu ngồi thẫn thờ giết thời gian vì không ai thuê làm công...Buồn và lo đó, nhưng cũng đành chấp nhận, bởi vì hơn 30 năm qua bà đã quá quen với nghề cửu vạn vốn đã bấp bênh như thế này.

Cơm đùm, cơm nắm đã có sẵn trên xe, sau bữa cơm trưa, bà sẽ hy vọng vào buổi chiều. “Cái nghề này không những phụ thuộc vào thời tiết mà còn phải gặp may nữa, nhiều lúc ngồi cả ngày trời cũng chẳng ai them thuê mướn làm chi là về không”, bà Tâm cho biết.
Một ngày gánh gạch cật lực thế này bà Tâm được trả 200 ngàn đồng- Ảnh: Niềm Phạm.
Một ngày gánh gạch cật lực thế này bà Tâm được trả 200 ngàn đồng- Ảnh: Niềm Phạm.
Dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, bị bệnh sỏi thận và huyết áp thấp, vậy nhưng chị Trần Thị Lan vẫn đều đặn đi làm mỗi ngày. 5h sáng, chị đã có mặt ở chợ Vinh để vác gạo, nhiều hôm mệt mỏi, tưởng chừng không dậy được nhưng sợ mất việc chị lại phải đi làm. Chị Lan tâm sự: “Nếu có ruộng vườn, đồng áng thì tôi đã ở nhà trồng trọt, chăn nuôi chứ không làm nghề này, nó vừa mệt lại độc hại....”.

Theo chị Lan thì công việc không những vất vả mà nhiều lúc còn bị “quỵt” tiền công nữa. Ai thuê gì thì làm nấy nên nhiều lúc làm xong xuôi chủ họ bảo nợ rồi mất tích luôn. Nhiều lần họ thuê làm dài ngày, công việc xong xuôi họ bảo ít hôm sẽ trả tiền xong rồi mất tích luôn nên không lấy được tiền.
Một ngày như bao ngày của phụ nữ cửu vạn- Ảnh: Niềm Phạm.
Một ngày như bao ngày của phụ nữ cửu vạn- Ảnh: Niềm Phạm.
Nữ cửu vạn làng Mai Lộc chủ yếu đi bốc vác hàng tại các chợ, phụ hồ tại các công trường xây dựng…Môi trường làm việc phải hít không ít bụi bẩn trong thời gian dài nên hầu hết chị em thường bị bệnh phổi, người gầy gò.

Làng Mai Lộc có 260 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, nhưng không ai có nghề nghiệp gì ổn định, ruộng đồng không có nên đa số người dân trong làng đều chấp nhận đi làm cái nghề này kiếm tiền mưu sinh.
Vừa chờ việc, vừa tranh thủ nhặt mớ rau cho buổi cơm tối ở nhà- Ảnh: Niềm Phạm.
Vừa chờ việc, vừa tranh thủ nhặt mớ rau cho buổi cơm tối ở nhà- Ảnh: Niềm Phạm.
Mấy năm gần đây, thu nhập từ nghề cửu vạn cũng bấp bênh khiến cuộc sống của không ít gia đình đang ngày một khó khăn. “Nắng thì đi làm, mưa thì đành phải ở nhà thôi. Những người thuê làm việc cũng ít dần nên những người “trông chờ” việc như chúng tôi lại càng gặp thêm nhiều khó khăn hơn. Muốn kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày cũng khó”, chị Nguyễn Thị Lý ngậm ngùi nói.
Họ không đòi quà và chẳng có quà nào mà đòi. Kiếp khổ vẫn trùm lên cả giấc ngủ- Ảnh: Niềm Phạm.
Họ không đòi quà và chẳng có quà nào mà đòi. Kiếp khổ vẫn trùm lên cả giấc ngủ- Ảnh: Niềm Phạm.
Giữa phố xá đầy hoa, socola ngọt ngào cho ngày quốc tế phụ nữ, tôi hỏi tế nhị những người phụ nữ vật vờ trong giấc ngủ trưa bên lề đường ‘chực’ đi làm này: ‘rồi ngày 8 tháng 3…?’.

"Tám với ba chi chú, cơm nỏ có ăn nói chi hoa hòe!".

Chắc ai nghe cũng buồn. Nghèo chỉ mong có cơm ăn, sinh nhật mình chẳng biết huống chi lễ lạt. Giàu mới sinh lễ nghĩa, viện đủ thứ ngày để ăn diện, chơi bời và nhảy tứng lừng lựng.

Có lẽ, quà của ngày 8 tháng 3 với những người phụ nữ cửu vạn ở thành Vinh, là một ngày nai lưng làm lụng cật lực!
Theo Báo Một thế giới