Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Không đếm biên chế để trả lương

Cuối tuần này, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó có việc tăng lương cơ sở. “Câu hỏi được đặt ra là tiền đâu để tăng lương, vì toàn bộ tiền lương của khu vực công chức, viên chức là từ ngân sách nhà nước”, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu vấn đề.

Kinh tế tăng trưởng, lạm phát ước tính 5%, vậy tăng lương cơ sở là hợp lý, thưa ông?

Năm nay, thu ngân sách dự kiến vượt dự toán, nhưng thực chất, ngân sách địa phương tăng thu, còn Trung ương hụt thu từ 8.000 đến 12.000 tỷ đồng, khiến vẫn bội chi 254.000 tỷ đồng, nợ công chiếm 64,98% GDP, nợ chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt mức trần 50% Quốc hội cho phép. Nhưng Chính phủ vẫn dành ra một khoản để tăng lương cơ sở nhằm cải thiện một phần thu nhập, đời sống cho công chức, viên chức. Đó là sự cố gắng rất lớn.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Ông có thấy bất hợp lý khi lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp năm nào cũng tăng, còn lương cơ sở áp dụng cho khu vực nhà nước thì tăng rất nhỏ giọt?

Đúng là năm nào cũng điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhằm bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Lương tối thiểu được chia theo vùng và việc điều chỉnh căn cứ vào 3 yếu tố:

Thứ nhất là bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Thứ hai là căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động.

Thứ ba là phụ thuộc vào cung cầu lao động. Cung - cầu lao động ở Hà Nội, TP.HCM khác với địa phương khác, nếu lương tối thiểu ở Hà Nội, TP.HCM không cao hơn những nơi khác, trong khi chi phí ở đô thị đắt đỏ hơn thì làm sao thu hút được lao động.

Còn khu vực nhà nước, ngoài lương cơ sở còn có hệ thống thang bảng lương. Vì vậy, nếu điều chỉnh một đồng lương cơ sở thì thu nhập của công chức, viên chức tăng không phải một đồng, mà tăng gấp nhiều lần, nên mỗi lần điều chỉnh lương cơ sở phải căn cứ vào mức độ chịu đựng của ngân sách nhà nước vì không thể vay nợ để tăng lương. Bên cạnh đó, tăng lương còn phải căn cứ vào năng suất lao động, lạm phát và quá trình tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Lạm phát của Việt Nam sau khi tăng khá cao vào năm 2010 và 2011 (tăng 11,75% và 18,13%), kể từ năm 2012 đến nay đã được kiềm chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng đã được khống chế.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng, cân đối ngân sách năm nào cũng căng thẳng, nhưng trong 6 năm vừa qua, lương cơ sở cũng đã được điều chỉnh 3 lần, từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng vào ngày 1/5/2011. Đến ngày 1/7/2012 điều chỉnh lên 1.050.000 đồng và 1/5/2016 tăng lên 1.210.000 đồng.

Mỗi khi tăng lương tối thiểu, đại diện cho giới chủ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và đại diện cho giới thợ (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tranh luận với nhau rất quyết liệt, trong khi đó, lương cơ sở tăng hay không, tăng bao nhiêu đều do Nhà nước quyết định. Ông thấy điều này có hợp lý không?

Có phù hợp hay không phải căn cứ vào 3 yếu tố là mức chịu đựng của ngân sách nhà nước, năng suất lao động và lạm phát. Là người làm trong khu vực nhà nước, cá nhân tôi năm nào cũng muốn lương cơ sở tăng 20-30%, nhưng câu hỏi đặt ra tiền đâu để tăng lương, vì toàn bộ tiền lương của khu vực này là từ ngân sách nhà nước.

Không thể đi vay nợ để chi thường xuyên và cũng không thể in thêm tiền để chi thường xuyên. Chỉ cần thực hiện một trong hai cách này thì ngay lập tức lạm phát sẽ tăng nên tăng lương cũng chẳng có ý nghĩa gì. Hơn nữa, nếu tăng lương bằng cách này, lạm phát tăng mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cân đối kinh tế vĩ mô, tác động rất xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Căn cứ vào 3 yếu tố nêu trên, hàng năm, Chính phủ tính toán xem có nên tăng lương hay không, tăng ở mức độ bao nhiêu là hợp lý, chứ không phải thích tăng là tăng, tăng bao nhiêu là do ý muốn chủ quan của các cơ quan soạn thảo chính sách.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng lương góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Thưa ông, vậy tại sao không mạnh dạn tăng lương?

Điểu chỉnh tiền lương phải theo nguyên tắc tốc độ tăng lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động vì phải có tích lũy để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; đầu tư thiết bị, máy móc, khoa học - công nghệ nâng cao năng suất lao động để tạo nguồn tiếp tục tăng lương. Năng suất lao động hàng năm đều tính toán được, nên không thể tăng lương tối thiểu một cách tùy tiện.

Lương cơ sở được trả từ nguồn ngân sách nhà nước. Hàng năm ngân sách nhà nước thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, chi vào những khoản nào đều có con số rất cụ thể, nên không thể tăng lương cơ sở theo cảm tính chủ quan. Còn nói tăng lương góp phần tăng trưởng kinh tế chỉ là tính toán trên lý thuyết.

Ông nói rằng, tăng lương cơ sở như từ trước đến nay vẫn làm không phải là giải pháp căn cơ. Vậy giải pháp căn cơ là gì?

Hiện có khoảng 2,8 triệu người làm việc ở khu vực nhà nước, trong đó cơ quan hành chính chỉ có 500.000 người, còn lại làm việc ở khu vực sự nghiệp, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Để giải quyết căn cơ bài toán lương cơ sở thì phải tách hai khu vực này. Nhà nước chỉ bảo đảm lương cho khu vực hành chính và một số đơn vị sự nghiệp, còn lại phải đẩy mạnh chuyển đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính , tổ chức bộ máy và biên chế trên cơ sở tính giá dịch vụ y tế, giáo dục theo giá thị trường. Với những đơn vị sự nghiệp khác, Nhà nước khoán khối lượng công việc trên cơ sở đầu ra, lấy hiệu quả làm thước đo chứ không khoán việc trên cơ sở đầu vào, “đếm” biên chế để trả lương.

Theo Mạnh Bôn/Báo Đầu Tư