1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Phí mua BHYT của người thứ 3 trong gia đình ngang với …1 bát phở!”

(Dân trí) - “Nếu gia đình có 3 người mua BHYT theo diện hộ gia đình, mức đóng cả năm lên tới hơn 1 triệu đồng - xem ra có vẻ nhiều. Nhưng nếu tính theo tháng, mức đóng cho người thứ 3 được giảm trừ còn 60 % so với người thứ nhất: Khoảng 31.000 đồng/người - ngang với tiền mua 1 bát phở”.


Tham gia BHYT hộ gia đình, người dân có nhiều hỗ trợ của Nhà nước khi khám chữa bệnh.

Tham gia BHYT hộ gia đình, người dân có nhiều hỗ trợ của Nhà nước khi khám chữa bệnh.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) trao đổi với báo giới về lợi ích của việc tham gia chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình được thực hiện từ năm 2016.

Theo đó, ngày 1/1/2016, Luật BHYT quy định những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, nếu chưa tham gia BHYT theo loại hình nào.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, cả nước có hơn 9 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Số lượng đối tượng người chưa tham gia BHYT còn khoảng 16 triệu người. Tuy nhiên, công tác triển khai còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở cấp xã - nơi người dân đang sinh sống. Được biết, cả nước hiện có trên 11.000 xã, phường, thị trấn.

Ông Vũ Xuân Bằng cho biết, thời gian qua BHXH VN đã tổ chức tập huấn tới các đại lý ở cấp xã. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều đại lý còn áp dụng cứng nhắc, ảnh hưởng tới công tác triển khai chính sách BHYT.

"Việc đăng ký mua thẻ BHYT rất đơn giản. Mỗi hộ chỉ cần kê khai tên tuổi và số thành viên trong gia đình. Không cần phải photocopy chứng minh thư, hộ khẩu, thẻ cũ. Chủ hộ chỉ cần ký tên và chuyển cho đại lý để mua thẻ BHYT. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn bắt người dân phải thực hiện các thủ tục trên” - ông Vũ Xuân Bằng nói.

Ông Vũ Xuân Bằng nhấn mạnh: “Cần nói rõ để người dân hiểu Quỹ BHYT có thể chi trả giúp người có thẻ BHYT các bệnh nặng như ung thư với chi phí hàng năm khoảng 1,4 tỉ đồng/người. Chính sách của Singapore còn hạn chế việc mua thuốc ung thư vú vì chi phí cao. Nhưng ở VN, người dân tham gia BHYT vẫn được chi trả cho loại thuốc này với chi phí khoảng 800 - 850 triệu/người/năm”.

Trong khi đó, việc tuyên truyền cần cả chiều sâu và chiều rộng tại cấp cơ sở. Đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng, công tác tuyên truyền tới đối tượng người dân cần thông qua những dẫn chứng cụ thể.

Đồng quan điểm với ông Vũ Xuân Bằng, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận xét: Theo như những giảm trừ của luật BHYT, gia đình có 5 người tham gia BHYT theo diện hộ gia đình thì thực tế chỉ đóng tiền cho 3 người.

“Lời mời tham gia BHYT rất nhiệt tình, nhưng sao người dân nhưng vẫn chưa muốn tham gia? Chỉ khi ốm đau, một số người dân mới lùng mua, “chạy mua” thẻ BHXH”.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, các chính sách về cơ bản đã được ban hành đầy đủ, Vấn đề là công tác triển khai phát triển thẻ BHYT tại địa phương còn nhiều điều chưa như mong muốn và chưa bám sát với người dân.

“Thực tế công tác tới nhiều xã, tôi nhận thấy có nơi bán BHYT ở UBND xã. Có nơi, việc bán BHYT do cán bộ xã kiêm nhiệm, bộ hội nông dân hoặc phụ nữ kiêm nhiệm. Tôi đã chụp lại ảnh có nơi còn ghi: “Chỉ bán BHYT vào 2/4/6 và giờ hành chính” - ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Ngay cả việc có tiền mua thẻ nhưng vì thủ tục không đơn giản khiến có trường hợp người dân nhận được thẻ BHYT sau 3 tháng đăng ký mua.

“Nhà nước cũng cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Việc này giúp tính đúng, tính đủ giá dịch vụ và người dân sẽ thấy được giá trị của việc mua BHYT” - ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Ông Nguyễn Văn Tiên đề xuất, điều đầu tiên phải xác định rõ: Việc bán BHYT là trách nhiệm chính của Bộ Y tế hay của BHXH VN?.

“Theo quy định mới nhất, cơ quan y tế cấp xã lại không thuộc quyền quản lý của UBND xã mà thuộc về cấp UBND huyện. Cho nên, ở cấp chính quyền xã không ai lo về chính sách BHYT ở xã. Vậy giao cho ai ở xã?”.

Vị Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu: Nếu chúng ta xác định, BHYT là trách nhiệm của ngành y tế từ cấp tỉnh, huyện và xã thì phải có cán bộ chuyên trách về BHYT ở cấp xã. Qua đó mới có thể vận động tới từng hộ gia đình người dân, theo dõi chính sách mua BHYT. Nếu cứ trông chờ hết vào UBND xã thì rất khó tạo hiệu quả tốt.

“Do đó, phải có người chuyên trách BHYT theo dõi ở cấp y tế xã. Từ trạm xá này để điều hành đội ngũ CTV dân số. Đội ngũ này đến tận từng nhà để vận động mua BHYT. Qua đó người dân mới hiểu và tham gia BHYT” - ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Theo Tiến sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), cho rằng: Trong công tác triển khai thẻ BHYT đang gặp khó khăn do việc trùng thẻ, chậm thẻ, sai thông tin trên thẻ; độ bao phủ còn thấp; chưa làm rõ được quyền lợi người tham gia BHYT…

Tiến sĩ Trần Tuấn đề xuất mô hình “Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng và thực hiện BHYT hộ gia đình”. Theo đó, mô hình sẽ tạo thông tin, chính xác, không tốn nhân lực, giảm thủ tục hành chính tiết kiệm chi phí. “Về phía người dân: Nhận thẻ nhanh, đúng, tiện lợi, giảm chi phí, thời gian, thủ tục phiền hà. Thuận tiện trong truy xuất thông tin, dễ dàng phát hiện sai sót, tăng khả năng cập nhật tính kịp thời của thông tin phục vụ cho lập kế hoạch…”.

Hoàng Mạnh