Phải biết lắng nghe

Khảo sát 21 vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn TP HCM từ đầu năm đến nay cho thấy phần lớn nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do doanh nghiệp (DN) nhập nhèm lương, thưởng; tùy tiện áp đặt chính sách khiến người lao động (NLĐ) ức chế.

Phải biết lắng nghe - 1

Trong quá trình giải quyết tranh chấp , không ít chủ DN còn “đổ dầu vào lửa” khi tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy , thậm chí còn “dọa” kiện NLĐ ra tòa do ngừng việc bất hợp pháp .

Bàn về cách hành xử này, ông Phan Thành Minh Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Phan Thành (gia công bao bì; quận Bình Tân , TP HCM), bày tỏ: “Đã sai mà còn thiếu thiện chí thì chỉ khiến DN thêm rối ren, đây là điều tối kỵ cần tránh nếu muốn ổn định quan hệ lao động . Biết lắng nghe và quan tâm giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của NLĐ sẽ giúp DN triệt tiêu mầm móng bất ổn”.

Cách đây không lâu, công ty do ông Khôi làm chủ liên tục bị NLĐ khiếu nại do chính sách tiền lương , đãi ngộ không nhất quán. Lúc làm ăn thuận lợi, để động viên NLĐ, ban giám đốc thường thưởng thêm cho họ bằng các khoản phụ cấp năng suất, tay nghề, trách nhiệm...Thế nhưng, chỉ cần gặp chút khó khăn, các khoản hỗ trợ này lập tức bị cắt giảm mà không hề thông báo với công nhân (CN). Sau nhiều lần kiến nghị với các bộ phận liên quan nhưng không được đoái hoài, tập thể CN đòi gặp trực tiếp giám đốc hỏi cho ra chuyện.

Tiếp nhận kiến nghị của tập thể và qua rà soát việc triển khai thực hiện chính sách, ông Khôi thừa nhận lỗi thuộc về DN khi chính sách chăm lo còn mang tính tùy hứng và điều này khiến NLĐ làm việc với tâm trạng bất an. Ngay lập tức, ông Khôi yêu cầu bộ phận nhân sự phối hợp với Công đoàn cơ sở sớm cụ thể hóa chính sách chăm lo trong thỏa ước lao động tập thể.

Đi xa hơn, lãnh đạo DN còn đề nghị phải tổ chức đối thoại định kỳ hằng tháng để giải quyết rốt ráo mọi bức xúc của NLĐ. Tinh thần trọng thị của lãnh đạo DN được CN đánh giá cao bởi không chỉ ổn định được thu nhập mà họ còn không phải mất thời gian khiếu nại.

Chính sách tiền lương manh mún cũng đã đẩy quan hệ lao động tại Công ty TNHH Anh Huê (may gia công; huyện Bình Chánh , TP HCM) đi vào ngõ cụt. Ấm ức vì những khiếu nại hợp pháp về tiền lương, chế độ đãi ngộ không được DN giải quyết thỏa đáng, hàng chục lao động đã nộp đơn xin nghỉ việc . Lao động biến động thường xuyên nên DN liên tục gặp khó khi thương thảo về đơn hàng với đối tác.

Tìm hiểu nguyên nhân, công ty đã phát hiện những lỗ hổng trong công tác điều hành quản lý và tìm mọi cách để khắc phục. Bà Lê Thị Trúc Anh, giám đốc công ty, nhìn nhận: “Với CN, chỉ cần DN rạch ròi lương, thưởng và thực hiện đúng các thỏa thuận đã cam kết thì họ sẽ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài ”.

Tiền lương và các chính sách liên quan trực tiếp đến NLĐ vốn là vấn đề nhạy cảm. Nhiều DN hiểu rõ việc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhất là các thỏa thuận đã cam kết với NLĐ, sẽ đẩy DN đối diện nguy cơ tranh chấp nhưng vẫn phớt lờ. Từ kinh nghiệm bình ổn quan hệ lao động , ông Nguyễn Cao Dũng, Giám đốc Công ty Nghĩa Dũng (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương ), cho rằng bản thân người lãnh đạo DN phải biết nhìn xa trông rộng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động.

“Cái gì luật đã định thì DN phải thực hiện đúng nhằm bảo đảm lợi ích cơ bản của NLĐ. Đặc biệt, nếu phát sinh tranh chấp về lợi ích, DN và đại diện tập thể NLĐ phải ngồi lại bàn bạc, giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích chung” - ông Dũng nhận xét.

Theo Báo Người lao động