Osin chẳng màng quy định mới

Từ 5/10 tới, Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 27/2014/NĐ-CP về lao động là người giúp việc gia đình chính thức có hiệu lực. Nhưng nhiều gia chủ cũng như người giúp việc đều không mặn mà thực hiện quy định này.

 Người giúp việc gia đình đang làm việc theo thỏa thuận miệng
 Người giúp việc gia đình đang làm việc theo thỏa thuận miệng

Người giúp việc cũng chê

Dù Nghị định 27/2014/NĐ-CP ra đời với mục đích bảo vệ quyền lợi cho những người giúp việc gia đình, nhưng chính người giúp việc gia đình cũng băn khoăn với những quy định này. Bà Nguyễn Thị Minh làm giúp việc cho một gia đình ở phố Lò Đúc (Hà Nội) đã 4 năm nay cho hay, hàng tháng ngoài ăn ở cùng với chủ nhà, không phải chi tiêu bất kỳ khoản gì, gia chủ trả thêm 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài lương, vào các dịp lễ, Tết, chủ nhà cũng thường cho quà, cho tiền. Bà thấy thế là ổn và cũng không muốn tính giờ làm thêm này nọ. “Quê tôi xa lắm, nếu quy định nghỉ 4 ngày/tháng thì tôi biết đi đâu?”, bà Minh băn khoăn.
Cũng lên làm giúp việc cho một số gia đình trên Hà Nội từ 5 năm nay, chị Thuận quê ở Hà Nam cho rằng, chuyện quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc chỉ nên thỏa thuận miệng.

Bởi theo chị Thuận, trong quá trình làm việc, đôi bên nếu không vừa lòng nhau thì cứ góp ý rồi thay đổi, chứ hợp đồng giấy trắng mực đen muốn thay đổi rất phiền phức. “Đã sống trong cùng một gia đình phải có tình cảm giữa đôi bên, chứ cái gì cũng mang luật lý ra khéo lại khó sống”, chị Thuận nói.

Trên thực tế, phần lớn là lao động giúp việc gia đình đa phần là lao động nông nhàn, thường tìm đến công việc này theo thời vụ và ít có ý định gắn kết với nghề, vì vậy, tâm lý của họ cũng không muốn ghi vào hợp đồng nghề nghiệp của mình là giúp việc.

Gia chủ lo “gánh nặng” theo giờ

Nhiều gia chủ đang lo lắng trước quy định của Thông tư 19 yêu cầu giờ làm việc của người lao động không được quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; người giúp việc phải được nghỉ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục, được nghỉ 4 ngày/tháng hoặc mỗi năm được nghỉ 12 ngày hưởng nguyên lương nếu làm việc đủ 12 tháng...

Chị Thái Thanh (trú tại Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con nhỏ đang thuê người giúp việc cho hay, công việc chính của bà giúp việc nhà chị là trông trẻ, nên phụ thuộc vào giờ ăn, giờ ngủ của trẻ, làm sao có thể xác định được 8 giờ làm việc như những công việc khác.

“Tôi đồng ý người giúp việc gia đình làm thêm ngày lễ, Tết có thể được hưởng đến 300% tiền lương, nhưng ngày nghỉ cũng được hưởng 200% tiền lương thì thu nhập của giúp việc đáng mơ ước quá”, chị Thanh than thở.

Về quy định mức tiền lương của người giúp việc (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; trong đó chi phí ăn, ở hàng tháng của người giúp việc (nếu có) không được vượt 50% mức tiền lương, chị Kim Dung (Ngọc Khánh, Hà Nội) rất đồng tình.

Thực tế, số tiền lương và tiền ăn ở cho người giúp việc hiện chị chi trả đảm bảo cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, chị bức xúc với quy định trả tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ cho người giúp việc và chế độ người giúp việc nghỉ ít nhất mỗi tháng 4 ngày. “Không lẽ cứ ngày nghỉ là người giúp việc nghỉ, vậy thì tôi thuê giúp việc làm gì?”, chị Dung đặt vấn đề.

Ngay cả vấn đề đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc cũng khiến nhiều gia chủ băn khoăn, bởi hầu hết người giúp việc là người đã nghỉ hưu hoặc trẻ em, chưa đến tuổi hoặc quá tuổi đóng bảo hiểm xã hội. “Tôi không rõ khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội này do gia chủ chi trả hay lấy từ người giúp việc”, chị Dung thắc mắc.
Theo Báo Giao thông Vận tải

 "Các quy định về người giúp việc vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa sát với đời sống, như quy định về giờ làm, ngày nghỉ, liên quan trực tiếp đến việc tính lương làm thêm, ngoài giờ… bởi đây là loại hình nghề có tính đặc thù”. Bà Ngô Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển.