1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ông chủ sai luật, lao động dọa kiện: Trưởng phòng nhân sự theo ai?

(Dân trí) - Tôi phải giải quyết hậu quả của người tiền nhiệm trong tranh chấp lao động. Nếu làm đúng luật, doanh nghiệp phải trả hơn 60 triệu đồng cho người lao động. Nếu cắt giảm tiền theo ý ông chủ sẽ khó khả thi. Nhưng như vậy, công việc tôi sẽ bị ảnh hưởng. Vậy, tôi phải làm sao đây?


Giữa 2 quan điểm, tôi thực sự bối rối

Giữa 2 quan điểm, tôi thực sự bối rối

Tôi làm trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng được hơn 1 tháng. Bên cạnh những việc bình thường, tôi đang phải xử lý một hậu quả của những người tiền nhiệm.

Nếu xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng tới công việc của tôi.

Trong quá khứ, chủ cũ của doanh nghiệp đã tuyển một nhân sự có trình độ khá về làm việc. Ngoài lương tháng, nhân sự được thưởng thêm 1 tháng lương cho việc chuyên cần, trách nhiệm trong mỗi quý.

Khoản tiền thưởng 4 quý sẽ không dưới 60 triệu đồng. Việc thanh toán sẽ thực hiện vào cuối năm.

Sự việc diễn ra được 1 năm và sắp tới đợt lĩnh thưởng. Nhưng đột ngột người chủ doanh nghiệp đã sang nhượng toàn bộ vốn cho một chủ mới.

“Tân quan, tân chế độ”. Ông chủ mới về, một loạt phòng ban có trưởng phòng mới.

Tôi là người được tuyển về để bổ sung vào vị trí vị trí trưởng phòng nhân sự.

Ông chủ mới có quan điểm tái cơ cấu và giảm tiện các chi phí. Đương nhiên, các cam kết về lương thưởng được ưu tiên xem xét lại trước tiên. Thỏa thuận về thưởng cho nhân sự nêu trên cũng nằm trong số đó.

Trường hợp này, ông chủ mới cho rằng anh ta không có gì xuất sắc trong công việc. Thậm chí, anh ta còn tỏ thái độ thách thức và nhiều lần bất tuân lệnh trong công việc.

“Anh này không xứng đáng để nhận hết số tiền trên. Trưởng phòng nhân sự tìm cách để giảm món tiền thưởng từ 60 triệu xuống 20 triệu đồng”.

Ông chủ còn gợi ý lý do: Doanh nghiệp mới tái cơ cấu, chưa có lãi và người lao động phải chia sẻ với doanh nghiệp.

Là người làm thuê, về nguyên tắc, tôi phải tuân theo điều khiển của ông chủ. Bởi nếu không vừa lòng ông chủ, tôi cũng có thể xách va li ra đi.

Nhưng là người biết chút ít về Luật Lao động, chưa cần tham khảo các đồng nghiệp ở doanh nghiệp khác, tôi tin là mong muốn của ông chủ khó thực hiện được. Thỏa thuận ban đầu cao hơn quy định của Luật lao động, nếu có điều chỉnh thì phải do 2 bên cùng đồng ý.

Tôi đã nhiều lần trao đổi với nhân sự trên. Quả thực rất khó khăn nói những điều trái với lòng mình. Chưa kể, anh ta cũng là người có trình độ nên quá hiểu nội tình doanh nghiệp không đến mức khó khăn.

Anh ta còn chủ động cho tôi thấy lộ trình được chuẩn bị tiếp theo nếu doanh nghiệp không tuân thủ: Đưa tranh chấp lên Sở LĐ-TB&XH, nếu không được sẽ chuyển ra tòa án để giải quyết.

Tôi không thể thuyết phục anh ta thay đổi quan điểm ban đầu.

Trong khi đó, cứ vài ngày ông chủ lại hỏi tôi tiến độ xử lý sự việc trên. Tôi đã phân tích ngược xuôi, nhưng ông chủ vẫn không chấp nhận. Ông ta yêu cầu tôi phải nghĩ ra “trăm phương nghìn kế” để thực hiện chỉ đạo.

Lúc bực mình, ông chủ còn nói bóng gió, nghi ngờ năng lực của tôi trong thuyết phục và đàm phán. Tôi thực sự buồn vì chịu sức ép vô lý. Nhưng là người làm thuê, tôi rất khó có thể làm việc theo ý mình. Đặc biệt là dưới trướng một ông chủ giàu có nhưng không muốn hiểu luật.

Thời hạn để giải quyết theo ý kiến của ông chủ đang tới gần. Trong khi đó, người lao động kiên quyết không thỏa hiệp.

Thực sự, tôi không biết phải làm sao đây!

Rất mong có được lời khuyên của các bạn trong lúc này.

Phương Cẩm Nhi (Liên Chiểu, Đà Nẵng)