1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ôm "quả đắng" khi gần 70 tuổi vẫn muốn đi ...xuất khẩu lao động

(Dân trí) - Lao động không trình độ, ngoại ngữ và có trường hợp gần 60 tuổi nhưng vẫn nuôi giấc mơ sang trời Tây kiếm tiền. Họ sẵn sàng chi tiền tỷ cho “cò” để thực hiện giấc mơ ảo để rồi phải ôm ..."quả đắng".

Tự nguyện... bị lừa

Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Nguyễn B. (SN 1952, trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn nuôi giấc mơ làm giàu bằng xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên ở cái tuổi này, ông B. khó đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn của các thị trường khó tính.

Trong khi đó, việc đi một số nước có yêu cầu không cao thì người đàn ông này lại không muốn do mức lương không được như kỳ vọng.

Ôm quả đắng khi gần 70 tuổi vẫn muốn đi ...xuất khẩu lao động - 1
Phan Đình Chính bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Chính đã lừa tiền các lao động có nhu cầu đi XKLĐ dù công ty mình không được cấp phép trong lĩnh vực này.

Khi nghe tin Phan Đình Chính (SN 1976, trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), là giám đốc 1 công ty về môi giới việc làm có khả năng đưa người đi Hàn Quốc làm việc, ông B. đã đến nhờ cậy.

Được vị giám đốc chỉ tuổi con mình cam kết trong vòng 6 tháng sẽ xuất cảnh với mức lương 36 triệu đồng/tháng, ông B bấm bụng chấp nhận khoản chi phí 15.000 USD, đặt cọc trước 1.000 USD cho Chính.

Dù không có tay nghề, học tiếng Hàn thi không đạt nhưng tin là Chính “có cách” nên anh B. còn tiếp tục nộp tiền để giám đốc lo giúp chứng chỉ tiếng, chứng chỉ nghề...

Chỉ đến khi đóng 300 triệu đồng, chờ mãi không thấy lịch bay như cam kết, ông B. mới biết mình bị lừa. Lúc này, nhiều nạn nhân cũng tố cáo Phan Đình Chính vì đã đóng tiền cho người đàn ông này để đi XKLĐ hay định cư ở một số nước châu Âu.

Trường hợp anh Trần Văn N. (trú TP Vinh, Nghệ An) cũng tương tự. Nuôi mộng đi nước ngoài làm ăn, anh N. hướng hẳn tới thị trường lao động Mỹ.

Bởi chàng trai này nghe nói công việc bên này nhàn hạ, mức lương cao, lại không yêu cầu bằng cấp. Tuy nhiên, N. lại không đủ điều kiện chứng minh tài chính để được xuất cảnh sang đây.

Ôm quả đắng khi gần 70 tuổi vẫn muốn đi ...xuất khẩu lao động - 2
Nhóm lao động được Công ty CP hợp tác hữu nghị Việt - Úc đưa đi Thái Lan để nhập cảnh trái phép sang Úc khi không thể XKLĐ chui sang Hàn Quốc.

Khi được Nguyễn Thị Thu (SN 1977, trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) giới thiệu có người nhà ở Mỹ, có thể “giúp” được thì gia đình N. mừng như mở cờ trong bụng.

Chi phí 30.000 USD sang Mỹ làm nails để hưởng mức lương 50-60 triệu đồng/ tháng, gia đình N. thấy xứng đáng để “đầu tư”.

Kết quả gia đình N. đã thế chấp sổ đỏ đưa cho Thu tổng cộng 1,1 tỷ đồng để “chạy” thủ tục. Quá thời gian Thu cam kết đã lâu vẫn không thấy lịch bay, gia đình N. mới tìm hiểu và biết Thu không có người thân ở Mỹ, cũng đang nợ đầm đìa. 

Cũng khao khát sang Hàn Quốc làm việc nhưng ngại tham gia các cuộc sát hạch gắt gao của cơ quan chức năng, 4 người lao động gồm: Trần Văn Q. (SN 1991, trú huyện Đô Lương Nghệ An), Cao Đình T. (SN 1990, trú huyện Yên Thành, Nghệ An), Hoàng Văn H. (SN 1989) và Nguyễn Văn T. (SN 1972, cùng trú tại Diễn Châu, Nghệ An) đã tìm đến Công ty CP hợp tác hữu nghị Việt - Úc (trụ sở đóng tại TP Vinh) để được "hỗ trợ".

Anh Nguyễn Văn H. (trú thị xã Cửa Lò, Nghệ An) bỏ 16.000 USD để xuất cảnh trái phép sang nước Đức thông qua hình thức đi du lịch ở Nga. Ngày 23/10/2019, người đàn ông này tử vong trong thùng container khi đang cố gắng xuất cảnh sang Anh cùng 38 người khác. 

Tại đây, 4 người lao động được ông Trương Xuân Vũ (SN 1982, trú huyện Anh Sơn, Nghệ An) hứa hẹn đưa sang Hàn Quốc làm việc với chi phí 12.000 USD. Sau khi đóng tiền, các lao động này không thể sang Hàn Quốc như Vũ cam kết.

Bởi vậy, khi Vũ gợi ý chuyển hướng sang Úc thay vì sang Hàn Quốc thì những người này đồng ý.

Thông qua Lê Quang Khải (SN 1983, trú huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), các lao động này được lo giấy tờ làm thuyền viên trên các tàu cá Thái Lan để tìm cách trốn vào Úc khi tàu cập bờ. Mỗi người sẽ phải đóng 22.000 USD, đặt cọc trước 5.000 USD.

Khải đưa nhóm lao động này sang Thái Lan nhưng nửa tháng ăn chực nằm chờ không xin được lên tàu cá làm việc nên phải mua vé cho họ trở lại Việt Nam.

Dù Vũ, Khải bị cơ quan chức năng bắt giữ sau đó nhưng nhóm lao động kia không dễ đòi được số tiền đã nộp.

Dễ như lừa ... đi XKLĐ

Nguyên nhân của tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động được chỉ rõ là do người lao động quá kỳ vọng vào việc đi nước ngoài làm việc để hưởng thu nhập cao mà không tính đến điểm xuất phát của mình về trình độ, năng lực, tay nghề, ngoại ngữ…

Bởi vậy họ thường chọn “đường tắt” và đây là cơ hội để những kẻ lừa đảo thực hiện hành vi của mình.

Ôm quả đắng khi gần 70 tuổi vẫn muốn đi ...xuất khẩu lao động - 3
Nhận 1,1 tỷ đồng để đưa người sang Mỹ làm nails không thành, Nguyễn Thị Thu bị xử phạt 15 năm tù.

Nỗi khao khát đổi đời bằng cách này khiến nhiều lao động không đủ tỉnh táo để kiểm tra tính hợp pháp của cá nhân, tổ chức đưa mình đi nước ngoài.

Hậu quả không những không đi nước ngoài làm việc được mà người dân còn bị lừa mất 1 khoản tiền lớn.

Như trường hợp Phan Đình Chính, chính cái mác giám đốc một doanh nghiệp về tư vấn, môi giới XKLĐ của người đàn ông này khiến nhiều người dân lầm tưởng.

Dù không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng Chính vẫn “nổ” có khả năng đưa người sang nước ngoài làm việc rồi ngang nhiên thu tiền, thu hồ sơ của người có nhu cầu.

Cơ quan chức năng làm rõ, Phan Đình Chính đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 5 lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc hoặc định cư số tiền hơn 600 triệu đồng. Với hành vi này, Chính bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 12 năm tù.

Tương tự, Nguyễn Thị Thu vốn không có nghề nghiệp ổn định, cũng không có người thân ở Mỹ nhưng với tài khua môi múa mép, Thu vẫn khiến nạn nhân tin tưởng. Dù không có gì đảm bảo nhưng Thu vẫn lừa gia đình bị hại đưa cả sổ đỏ để thế chấp ngân hàng lấy tiền.

Trong khi người phụ nữ này thụ án 15 năm tù về tội lừa đảo thì gia đình Trần Văn N. đang còng lưng trả lãi và tìm cách chuộc lại sổ đỏ đã bị Thu thế chấp.

Ôm quả đắng khi gần 70 tuổi vẫn muốn đi ...xuất khẩu lao động - 4
Lao động có nhu cầu đi xuất khẩu tham gia tư vấn tại một doanh nghiệp XKLĐ tại Nghệ An.

Theo bà Trịnh Thị Huyên - Giám đốc một công ty XKLĐ ở Nghệ An, việc xuất cảnh trái phép sang một nước khác sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như mất tiền, không được pháp luật nước bạn bảo hộ, dễ bị lạm dụng hoặc lao động khổ sai.

Lao động chui không có hợp đồng lao động, không có giấy tờ, bảo hiểm... khi xảy ra tai nạn rủi ro, thậm chí là tử vong không được hưởng các chính sách luật sở tại mà các cơ quan chức năng cũng khó vào cuộc để bảo vệ quyền lợi

Nên tìm hiểu doanh nghiệp, đối tác qua nhiều kênh thông tin

“Để tránh bị lừa đảo, người lao động nên tìm hiểu kỹ thị trường được quảng bá có hợp pháp hay không; tránh đi qua đường dây hoặc tư vấn của tổ chức, cá nhân không có giấy phép. Người lao động cần đến trực tiếp các công ty được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ hoặc Phòng LĐ-TB&XH các huyện, phòng ban chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH để được hướng dẫn, tư vấn...”, bà Trịnh Thị Huyên khuyến cáo.

Hoàng Lam