Những giá trị cốt lõi của Tổ chức lao động quốc tế sau 100 năm

(Dân trí) - “Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi mà Tổ chức Lao động Quốc tế luôn không ngừng phấn đấu”.

Những giá trị cốt lõi của Tổ chức lao động quốc tế sau 100 năm - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Dũng Mạnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO, 1919 -2019) với chủ đề "Những tư tưởng tương đồng của Hồ Chí Minh và Tổ chức Lao động Quốc tế hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người".

Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp tổ chức sáng 27/8 tại Hà Nội.

Đảm bảo quyền cơ bản của con người

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy trong suốt mấy thập kỷ qua, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế đã cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa tư tưởng tương đồng của những nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, việc làm bền vững vì hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Theo Phó Thủ tướng, từ năm 1919, Nhà Cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị hòa bình Paris, trong đó nêu rõ đòi hỏi quyền cho người dân Việt Nam “được tự do hội họp, được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”.

“Những yêu sách này có nội hàm hoàn toàn tương đồng với Lời mở đầu của Hiến chương Tổ chức Lao động Quốc tế về “công nhận nguyên tắc cơ bản của tự do hiệp hội, tổ chức giáo dục kỹ thuật và dạy nghề” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Những giá trị cốt lõi của Tổ chức lao động quốc tế sau 100 năm - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp lãnh đạo ILO. Ảnh: Dũng Mạnh

Tới ngày nay, những nội dung trong chính sách lao động và an sinh xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện ở những điểm cơ bản như: Đảm bảo quyền tự do, quyền làm chủ của người dân; tôn vinh lao động; tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đảm bảo an toàn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định...

Những nội dung này cũng chính là những tiêu chuẩn lao động quốc tế được Tổ chức Lao động Quốc tế xây dựng và thể hiện qua các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế trong suốt 100 năm qua.

Chủ động nắm bắt kỹ năng mới 

Liên hệ với thực tế ngày nay, Phó Thủ tướng khẳng định sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế xã hội trong mỗi quốc gia, tiêu biểu về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Bên cạnh sự phát triển, nhiều thách thức cũng xuất hiện. “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Nhiều nghề sẽ mất đi, nhiều công việc giảm tính ổn định cùng với đó sẽ xuất hiện nhiều nghề mới đòi hỏi những kỹ năng làm việc mới trong một không gian việc làm rộng mở hơn” - Phó Thủ tướng cho biết.

Thực tế này đòi hỏi tầm nhìn và các bước chuẩn bị chủ động, cần thiết nhằm nắm bắt cuộc Cách mạng và tận dụng được người lao động thiếu kỹ năng mới.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Nhận thức được điều đó, Việt Nam xác định cần tập trung đổi mới giáo dục, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng cho người lao động để sẵn sàng với những thay đổi, đòi hỏi mới còn rất khó lường của thị trường lao động”.

Phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển bền vững.

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mấy chục năm qua thuộc nhóm nhanh hàng đầu thế giới nhưng do xuất phát điểm thấp sau chiến tranh nên thu nhập theo đầu người của Việt Nam còn ở mức trung bình thấp.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nỗ lực tập trung cho xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả rõ nét, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thành viên tích cực của ILO

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm cùng Tổ chức Lao động Quốc tế tiếp tục cuộc hành trình hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, phấn đấu thực hiện lý tưởng của các nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Phan Phúc