DMagazine

"Nghĩa địa" tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi

(Dân trí) - Những con tàu có giá vài tỷ đồng mục nát rồi chìm nơi cửa sông, đặt dấu chấm hết cho một làng chài tỷ phú.

Những đôi tàu giã cào gầm rú, lướt phăng phăng trên mặt biển kéo theo tấm lưới lớn. Tàu lớn, máy mạnh, những mẻ lưới đầy hơn. Nhờ vậy, nhiều ngư dân Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) thu nhập 1,5-2 tỷ đồng mỗi năm. Kể từ đó, ngôi làng nằm bên sông Phú Thọ với đội tàu trên 1.200 chiếc được mệnh danh "làng biển tỷ phú".

"Nhà cao tầng mọc lên như nấm. Nhiều người rất trẻ đã sở hữu khối tài sản 3-5 tỷ đồng. Nhưng đó là chuyện của hơn 6 năm trước. Bây giờ, khoảng 90% sổ đỏ ở xã này nằm ở ngân hàng, hầu như không có mấy người có khả năng lấy lại", Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công nói.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 2

Anh Võ Văn Chí, 53 tuổi, từng là tỷ phú. Năm 2014, gia đình anh đã sở hữu đôi tàu có tổng công suất 900CV. Thời đó, đôi tàu giã cào mang về cho anh khoản thu nhập 1-1,5 tỷ đồng mỗi năm.

"Thu nhập của tôi như thế vẫn ít, nhiều người kiếm được trên 2 tỷ đồng", anh Chí nói và khẳng định chính suy nghĩ đó đã đẩy anh và nhiều ngư dân khác vào cuộc chạy đua sai lầm.

Giã cào là cách dùng tàu kéo những tấm lưới lớn, mắt lưới dày để bắt hải sản. Thường thì những ngư dân làm nghề này sẽ có một đôi tàu. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào công suất tàu. Tàu lớn, máy mạnh, tốc độ cao, dàn lưới cũng lớn hơn giúp tăng hiệu quả đánh bắt. Các loại hải sản nằm trong đường đi của tàu giã cào đều không thể thoát.

Làng biển Nghĩa An lúc đầu chỉ có những đôi tàu công suất 900CV. Thế rồi một số ngư dân "chơi lớn", tàu được cải hoán nâng công suất máy lên 1.200CV.

"Anh làm được, tôi cũng làm được" - đó là suy nghĩ của những ngư dân có tàu 900CV. Từ khoảng năm 2015, cả làng biển bị cuốn vào cuộc đua đóng tàu lớn. Anh Võ Văn Chí cũng nằm trong số đó.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 3

Đôi tàu có công suất 900CV mang về nguồn thu nhập khá. Vậy nên chỉ vài năm, anh Chí đã trả xong khoản nợ đóng tàu. Nhà cửa cũng được xây dựng khang trang. Nếu cứ thế, anh Chí đã là tỷ phú với khối tài sản ước tính 4-5 tỷ đồng. Nhưng không, anh Chí và hàng trăm ngư dân ở Nghĩa An vẫn muốn kiếm được nhiều hơn từ biển. Anh quyết bán tàu cũ, đóng tàu mới, to hơn.

Cuối năm 2016, đôi tàu 1.200CV hạ thủy. Đóng tàu lớn, công suất lớn nên tất cả ngư lưới cụ cũng phải thay đổi. Tổng kinh phí đầu tư đôi tàu khoảng 8,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 1/3 là tiền vay.

Không riêng anh Chí, trong những năm 2015-2017, số người đóng tàu, thay máy công suất lớn tăng chóng mặt. Và như sự trêu ngươi, khi những con tàu cỡ khủng vừa hạ thủy thì hàng loạt "cơn bão" ập đến nhấn chìm cả làng chài.

"Rất nhanh, mọi thứ thay đổi nhanh đến nỗi chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra. Vùng đánh bắt bị thu hẹp, sản lượng giảm mạnh trong khi giá nhiên liệu tăng. Đặc biệt là máy tàu Trung Quốc "nuốt" nhiên liệu đến chóng mặt", anh Chí nhớ lại.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 6

Trên sông Phú Thọ, hàng chục con tàu neo san sát nhau. Cuối chiều, cửa sông vắng ngắt, nhiều chiếc tàu chìm trong nước khi thủy triều lên. Chỉ một khúc sông ngắn nhưng có hàng chục tàu đắm mục nát. Ngư dân chua chát gọi đây là "nghĩa địa tàu cá", nơi đặt dấu chấm hết cho giấc mơ tỷ phú.

"Cay đắng!", anh Võ Văn Chí thốt lên khi nhìn con tàu từng có giá khoảng 4 tỷ đồng chìm dưới nước. Con tàu còn lại đã được ngân hàng bán thu nợ với giá chỉ 700 triệu đồng. Không chỉ tàu, ngôi nhà cũng không còn là của anh.

"Đóng tàu hết 3-4 tỷ đồng mỗi chiếc mà giờ chỉ bán được một chiếc 700 triệu đồng, chiếc còn lại không ai mua. Ngân hàng họ thu tàu rồi neo đó mãi nên tàu hỏng, chìm luôn, coi như mất trắng. Ít hôm nữa họ xuống thu nhà", anh Chí thở dài với khoản "lãi mẹ, lãi con" lên đến 4 tỷ đồng.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 7

Hàng trăm tàu lớn vừa hạ thủy đã bị "nhấn chìm". Ngư dân cứ ra khơi là lỗ, kéo theo nợ ngân hàng chồng chất. Không chấp nhận thất bại, nhiều chủ tàu xoay thêm vốn để ra khơi với hy vọng sẽ trúng đậm. Cứ thế, tiền bạc, tài sản của người thân được huy động. Nhưng rồi mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn.

Hết đường, ngư dân đành đưa tàu về neo ở cửa sông Phú Thọ. Đó là lúc họ chấp nhận buông tay, giao tàu, giao nhà cho ngân hàng. Chỉ trong vài năm, hàng trăm tỷ phú đã trở thành những con nợ.

Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn tự nhận mình là con nợ "khủng" nhất làng biển này. Ngoài 40 tuổi, Tuấn phải gánh khoản nợ khoảng 7 tỷ đồng. Đây chính là khoản nợ vay đóng mới đôi tàu giã cào vào năm 2016.

Hồi đó, Nguyễn Văn Tuấn là một ngư dân làm thuê trên tàu giã cào. Khi tàu còn khai thác hiệu quả, mỗi tháng Tuấn được chia lãi 15-20 triệu đồng. Hàng chục năm trước thì đây là khoản thu nhập lớn.

Thế nhưng làm thuê chẳng bao giờ có thể trở thành tỷ phú. Năm đó, Tuấn cũng lao theo người làng vay tiền đóng tàu. Chỉ với một ít vốn nhưng Tuấn đóng đôi tàu lên đến 9 tỷ đồng. Để có tiền, tất cả sổ đỏ nhà, đất của mình và người thân đều được Tuấn cầm cố ngân hàng.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 10

Tuấn dự tính chỉ cần 3 năm là cơ bản trả hết nợ. Hàng trăm ngư dân vay tiền đóng tàu đều nghĩ vậy. Nhưng rồi mọi chuyện lại theo chiều hướng ngược lại. Chưa đầy 3 năm sau, đội tàu giã cào tan tác, ngư dân đành phải đưa về neo đậu ở cửa sông. Hàng chục chiếc xuống cấp rồi chìm, biến một khúc sông thành nghĩa địa tàu tiền tỷ.

"Nhà cửa, tàu cá mất hết. Không chỉ nhà của mình mà của cha mẹ, anh em cũng sắp bị tịch thu. Ở đây hầu như nhà nào cũng lâm vào cảnh nợ nần", Tuấn nói.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 12

Hai năm qua, Tuấn trở lại biển trên những con tàu hành nghề câu. Vị trí của Tuấn là làm thuê theo từng chuyến biển. Dù vị trí giống nhau, nhưng Tuấn của gần 10 năm trước không gánh khoản nợ tiền tỷ như bây giờ.

"Hồi đó làm thuê nhưng tiền bạc rủng rỉnh. Bây giờ làm chỉ được tầm 10 triệu một tháng mà còn nợ mấy tỷ. Nhà cửa, tàu cá bị thu hết rồi mà vẫn còn nợ nhiều lắm", Tuấn cho biết.

Nằm trong vòng xoáy giã cào, Tuấn hiểu rõ vì sao hàng trăm chủ tàu kéo theo hàng nghìn gia đình ở Nghĩa An chìm trong nợ nần.

Tuấn bảo, có 3 lý do chính xảy ra cùng lúc. Thời đó, nghề giã cào đang phát triển, biển giã rất hào phóng. Vậy nên những chuyến biển kiếm được 100-200 triệu đồng không hiếm. Thế rồi ngư dân muốn kiếm nhiều tiền hơn nên đóng tàu lớn.

Giã cào là nghề đánh bắt theo kiểu tận diệt, vì vậy nghề này không được khuyến khích phát triển. Do đó, ngư trường của tàu giã cào dần được giám sát chặt chẽ. Cùng với đó, do cách khai thác kiểu tận diệt nên sản lượng hải sản vùng biển tàu giã cào hoạt động giảm sút nhanh chóng. Một điều quan trọng khác chính là máy tàu Trung Quốc.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 13

Tuấn phân tích, máy tàu Trung Quốc rất "bốc" lại rẻ. Để có đôi tàu 1.200CV chỉ cần đầu tư máy Trung Quốc có giá 1,6 tỷ đồng. Trong khi đó, máy Nhật hoặc Mỹ có giá cao gấp đôi, thậm chí cao hơn. Đó là lý do tại sao tất cả tàu giã cào thời điểm đó đều lắp máy Trung Quốc.

Lắp máy Trung Quốc chỉ được cái lợi trước mắt, về sau ngư dân phải nuốt trái đắng. Máy tàu Trung Quốc ngốn lượng dầu gấp ba lần máy Nhật, hoặc Mỹ. Sau một thời gian hoạt động, loại máy tàu này thường xuyên hỏng hóc.

"Cá tôm thì giảm mà nhiên liệu tăng gấp mấy lần nên cứ ra khơi là lỗ. Đánh bắt đã lỗ thì lấy đâu tiền trả ngân hàng nên lãi chồng chất", Tuấn nói và hỏi, anh biết chơi domino không? Cảnh vỡ nợ ở đây cũng giống như trò dựng các quân cờ domino sát nhau rồi đẩy ngã một con vậy!

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 16

Nghĩa địa xã Nghĩa An nằm bên bờ biển. Ở cái xứ đất chật người đông này, việc lấn đất nghĩa địa xây dựng nhà không còn quá xa lạ. Tình trạng này nhiều hơn kể từ khi cả làng biển vỡ nợ vì tàu giã cào.

Bà Đỗ Thị Giá, 65 tuổi, vừa hoàn thành căn nhà rộng 30m2. Căn nhà được xây theo kiểu "điền vào chỗ trống" trong nghĩa địa. "Chỗ này hồi có mấy mét đất trống không đủ xây nhà. Cô phải năn nỉ người quen di dời một cái mộ nữa mới xây được", bà Giá nói.

Vợ chồng bà Giá từng có căn nhà nhỏ ở trung tâm xã Nghĩa An. Tuổi cao, hai vợ chồng chỉ đánh bắt gần bờ kiếm vài chục nghìn đồng chi tiêu. Đến một ngày, có người hỏi mượn tiền đóng tàu với mức lãi suất hấp dẫn.

Không có tiền tích lũy nhưng bà Giá có ngôi nhà. Bà nhẩm tính, dùng căn nhà vay ngân hàng đưa tiền cho người đóng tàu. Khoản chênh lệch lãi suất mỗi tháng cũng được vài triệu đồng. Nghĩ là làm, căn nhà được cầm cố vay ngân hàng 300 triệu đồng.

Bằng cách này, mỗi tháng vợ chồng bà Giá có khoản chênh lệch lãi suất gần 3 triệu đồng. Thế nhưng, bà chỉ nhận được tiền lãi vài tháng thì chủ tàu vỡ nợ, bỏ đi biệt tích. Tiền lãi vay ngân hàng cứ thế tăng lên khiến bà mất cả căn nhà.

"Cả làng này ai cũng nợ nên đâu biết vay mượn ai để lấy lại căn nhà. Vậy nên vay có 300 triệu thôi mà giờ mất cả ngôi nhà", bà Giá sụt sùi.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 18

 Thời điểm chủ tàu giã cào vỡ nợ, cả làng biển điêu đứng. Một đôi tàu giã cào "nuốt chửng" nhiều căn nhà. Vậy nên ở làng biển này có hàng nghìn người rơi vào hoàn cảnh như vợ chồng bà Giá.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công nói rằng phải có đến 90% sổ đỏ ở đây được "cắm" để vay tiền đóng tàu. Về số nợ, bà Công ước tính mỗi chủ tàu trung bình nợ 2-3 tỷ đồng, những người liên quan từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ. Toàn xã có trên 4.700 hộ, như vậy cả xã đang phải gánh khoản nợ lên đến vài nghìn tỷ đồng.

Sở dĩ Chủ tịch UBND xã Nghĩa An phải ước lượng là bởi các ngân hàng không tiết lộ số tiền cho vay. Mặt khác, ngoài vay ngân hàng, chủ tàu còn huy động vốn từ rất nhiều nguồn khác.

Suốt nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị các ngân hàng khoanh, giãn nợ cho ngư dân tiếp tục vươn khơi. Tuy nhiên, do số nợ quá lớn lại kéo dài nhiều năm nên những kiến nghị này chưa được giải quyết. Mà nếu có thể ra khơi, ngư dân cũng không chắc có thể trả được nợ, thậm chí có thể nợ nhiều hơn. Vì thế nhà cửa, tàu cá bị kê biên ngày một nhiều hơn. Cả làng biển chìm trong tiếng thở dài tiếc nuối.

Nghĩa địa tàu cá nơi cửa sông, dấu chấm hết cho làng tỷ phú tại  Quảng Ngãi - 19

 Thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, trong 3 năm qua, có gần 900 trường hợp nợ quá hạn bị khởi kiện. Mỗi trường hợp từng thế chấp ít nhất một căn nhà để vay tiền.

"Những trường hợp này sẽ bị kê biên tài sản bán trả nợ cho ngân hàng. Đến thời điểm này đã có 100 căn nhà được bán để thi hành án", bà Công cho biết.

Nữ Chủ tịch xã còn nói thêm rằng số nhà bị kê biên, bán đấu giá chắc chắn sẽ tăng rất nhanh. Tỷ lệ thuận với đó là những gia đình không còn nơi trú ngụ. Lâm vào cảnh trắng tay, mất nhà nên nhiều ngư dân phải ly hương mưu sinh.

Nghĩa An ngày trước sầm uất bao nhiêu nay lại đìu hiu bấy nhiêu. Sự sầm uất được gầy dựng qua hàng chục năm đã bị quét sạch trong chớp mắt bởi những "cơn bão không đến từ biển".