1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều trường cao đẳng ở TP HCM “được mùa” tuyển sinh

Trái với mọi năm, đến thời điểm này, nhiều trường cao đẳng tại TPHCM cơ bản đã gần đủ chỉ tiêu nhờ sự thay đổi theo hướng gắn liền với doanh nghiệp

Nếu như năm 2017, đến thời điểm này nhiều ngành đào tạo của Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP HCM vẫn khuyết sinh viên thì năm nay mọi việc đã khác hẳn. Hiện trường đã tuyển được khoảng 1.100 sinh viên trên tổng số 1.200 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 90%.

Tốc độ tuyển sinh năm nay vượt gần 60% so với năm ngoái. Với tín hiệu khả quan như vậy, dự kiến đầu tháng 9 này trường sẽ hoàn tất khâu tuyển sinh.

Sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP HCM, bên cạnh việc đầu tư công phu hơn cho công tác tuyển sinh tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam, sự thay đổi trong tư duy định hướng nghề nghiệp của thí sinh và phụ huynh cũng góp phần tạo nên sự thuận lợi trong mùa tuyển sinh năm nay của trường.

“Trước đây đa phần bản thân thí sinh và phụ huynh đều muốn các em vào con đường đại học nhưng bây giờ ngày càng có nhiều gia đình và thí sinh nhận thấy việc làm sao có một nghề tốt và kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp là mục tiêu quan trọng hơn. Do vậy nhiều thí sinh đã chọn trường nghề. Chính điều này giúp cho công tác tuyển sinh của các trường nghề như chúng tôi trong năm nay thuận lợi hơn”, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tuấn cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã có gần 1.300 sinh viên nhập học, đạt trên 80% so với chỉ tiêu đăng ký. Đây là con số khác biệt so với các mùa tuyển sinh trước.

Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, để có được kết quả này là cả một quá trình tìm tòi, đổi mới và lắng nghe nhu cầu thực tế của thị trường lao động: “Chúng tôi đã quyết liệt thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó có việc áp dụng ký kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường. Chúng tôi tăng thời lượng thực hành cho sinh viên khóa này từ một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp như trước đây, bây giờ bổ sung thêm 2 học kỳ học tại doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 70% khối lượng thực hành dành cho chương trình học của sinh viên. Và chúng tôi cũng đảm bảo sinh viên học xong ra làm việc được ngay”.

Doanh nghiệp ngoài việc có góp ý vào chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn còn cử cán bộ, chuyên gia tham gia giảng dạy sinh viên để có những định hướng phù hợp nhất.

Bên cạnh việc bắt tay chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, nhà trường còn mạnh dạn thực hiện cam kết việc làm thông qua việc ký hợp đồng đảm bảo việc làm cho từng sinh viên và cho biết sẵn sàng hoàn trả học phí nếu không thực hiện được các nội dung thỏa thuận ban đầu.

Cùng với đó là các chương trình học bổng cho sinh viên năm đầu và hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho sinh viên khó khăn trong suốt khóa học.

Cam kết chất lượng đào tạo, đảm bảo việc làm cho sinh viên thông qua việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp cũng là cách mà Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chọn để khẳng định thương hiệu.

Cách làm thực tế của các trường đã tạo được lòng tin trong đông đảo sinh viên, phụ huynh.

Con số hơn 3.000 sinh viên nhập học 23 ngành đào tạo của trường trong năm nay đã thể hiện rõ chất lượng của quá trình tuyển sinh.

Nhiều trường cao đẳng tuyển sinh tốt là tín hiệu vui cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Thế nhưng vẫn còn trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” khi một số trường tung đủ chiêu thức dụ dỗ thí sinh nhập học để đạt chỉ tiêu rồi sau đó… đem con bỏ chợ. Không thực hiện được cam kết về chất lượng đào tạo ban đầu, không ổn định về học phí và bấp bênh chất lượng đầu ra là điều mà không ít trường cao đẳng hoạt động theo kiểu “ăn xổi ở thì” đang gặp phải.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, trong thời đại cạnh tranh như hiện nay, đó là chiêu thức lợi bất cập hại vì tuyển được sinh viên là một chuyện, cái quan trọng vẫn là giữ chân các em đến khi hoàn tất chương trình.

Chỉ có chất lượng đào tạo mới làm được điều này chứ không phải là chiêu thức quảng cáo: “Chương trình đào tạo, chính sách học phí và các chính sách của nhà trường là những nội dung cần được các trường công bố công khai. Và chúng ta đào tạo như thế nào để sinh viên ra trường có việc làm và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Điều đó khẳng định chất lượng đào tạo của trường. Do đó những trường có suy nghĩ tuyển sinh theo kiểu lừa đảo thí sinh thì chắc sẽ không thể tồn tại và phát triển nổi.”.

Dư luận xã hội đã dần lấy lại niềm tin đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp khi tâm lý vào đại học bằng mọi giá đang ngày càng thay đổi. Thế nhưng, để duy trì tín hiệu khả quan này đòi hỏi các trường nghề phải liên tục đổi mới và thực hiện thêm nhiều cam kết liên quan đến chất lượng đào tạo, nguồn việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp./.

Theo VOV.VN