Nhân tài ngại… cơ chế!?

Trước Đại hội XII của Đảng, TS Võ Đại Lược khi trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM đã nói: “Cơ chế xin-cho không có chỗ cho người hiền tài”.

Ý TS Lược là người tài thì ngại cơ chế. Vì đã là người tài thì phải gắn luôn với đức. Người tài đức sẽ không chấp nhận được “xin-cho”.

Vấn đề này lại được mổ xẻ tại “Hội thảo khoa học chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 17-7. Dẫu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là vấn đề: Khu vực công vì sao không thu hút được người tài?

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên lý này không phải mọi người không hiểu. Nhưng lý do vì sao trong giai đoạn này, người tài, như TS Lê Minh Thông đặt vấn đề, không thích vào khu vực công lại là điều cần suy nghĩ. Vì hẳn nhiên một hệ thống công quyền hiệu quả luôn phải hội tụ được những người tài. Bởi người tài khi dấn thân vào công quyền thì ngoài cống hiến sẽ có khả năng đổi mới được cơ chế.

Vì thế, nếu các chuyên gia tại hội thảo nhận định rằng: Tình trạng chạy chức, chạy quyền, “con cháu các cụ cả”, tham nhũng… đang cản bước nhân tài thì rõ ràng những lực cản ấy vẫn không có gì thay đổi. Thật ra những biểu hiện nói trên vẫn chỉ là cái vỏ của vấn đề. Xét cho đến cùng, cơ chế mới là nút thắt cần tháo gỡ.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng đã phải đề nghị Quốc hội thông qua một nghị quyết cho phép bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao khi chưa hội đủ một số điều kiện luật định.

Dù không nói nhưng Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận còn có những quy định bất thành văn khiến cho ngay cả quá trình bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao cũng gặp vướng mắc. Những “quy định bất thành văn” ấy không phải hệ thống không hiểu.

Xem xét lại những quy định về bổ nhiệm, đề bạt trong khu vực công, dường như mọi quy định đều rất chặt chẽ. Từ những tiêu chí về kinh nghiệm, những tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực đến những… chứng chỉ cần có đều đặt nhân tài vào một quy trình rất nghiêm ngặt.

Đương nhiên không phải không có những cơ quan, địa phương sẵn lòng thu hút người tài. Nhưng đã là người tài thì phải làm việc. Những ý kiến tại hội thảo nói người tài được tuyển dụng vào chỉ để pha trà, rót nước… cũng đáng chú ý.

Nhưng nó không hẳn là vấn đề lớn nhất cho bằng việc người tài vào khu vực công mà không thấy triển vọng, không có không gian tự do để sáng tạo và cống hiến. Trường hợp người ngoài đảng như ông Lê Nguyễn Minh Quang phải xin nghỉ việc ở Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM là một ví dụ đáng tiếc.

Người ta hay nói đến “môi trường cho nhân tài” nhưng môi trường ấy chỉ nảy nở khi cơ chế về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm… thực sự công khai, minh bạch dựa trên một nền tảng duy nhất là tài năng và đức độ.

Theo Chân Luận/PLO.VN