1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Nguy cơ ngừng nhận lao động Việt Nam vào Hàn Quốc rất cao”

(Dân trí) - “Lao động Việt Nam chiếm 1/4 lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, mỗi năm gửi về nước khoảng 700 triệu USD. Hiện nay, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng lên tới 39%, khiến nguy cơ phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động trong năm 2015 rất lớn”.

Lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc
Lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc

Ông Phạm Viết Hương - Cục phó Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với VTV liên quan tới tình hình bỏ trốn của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hôm 22/11.

Đây là thời điểm sắp kết thúc Bản thỏa thuận đặc biệt có thời hạn 1 năm ký giữa Việt Nam và Hàn Quốc về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.

Trả lời câu hỏi tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ảnh hưởng ra sao tới tình hình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, ông Phạm Viết Hương cho biết:

“Việc lao động Việt Nam bỏ trốn ảnh hưởng nhiều tới tình hình xuất khẩu lao động, hình ảnh người lao động và khả năng cạnh tranh của lao động VN trên thị trường lao động Hàn Quốc nói riêng và thị trường lao động quốc tế nói chung.

Ông Phạm Viết Hương - Cục
phó Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Phạm Viết Hương - Cục phó Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)

Chỉ riêng năm 2011-12, hàng chục ngàn lao động không có cơ hội sang làm việc tại Hàn Quốc. Cụ thể: Hơn 12.000 lao động đã thi xong tiếng Hàn và gần 2.000 lao động huyện nghèo không có cơ hội thi tiếng Hàn”.

Ông Phạm Viết Hương cho biết thêm, chỉ nhờ có Bản thỏa thuận đặc biệt ký giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt nam và Bộ Lao động Hàn Quốc năm 2013, khoảng 5.000 lao động đã xuất cảnh. “Còn hơn 10.000 lao động vẫn chờ cơ hội sang Hàn Quốc”.

Để hạn chế các biện pháp bỏ trốn, đại diện Cục Quản lý lao động Ngoài nước cho biết: Sau khi ký thỏa thuận đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan để tổ chức các hội nghị tuyên truyền.

Tới nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức được 11 hội nghị thông tin tuyên truyên khu vực với 35 tỉnh tham gia; trên 40 hội nghị tuyên truyền cấp quận, huyện có nhiều lao động hết hạn năm 2014.

Nhấn mạnh tới vai trò chính quyền các địa phương, ông Phạm Viết Hương cho rằng cần phải tích cực hơn nữa. “Chính quyền địa phương cần tích cực và quyết liệt hơn trong việc vận động lao động về nước. Gia đình lao động bỏ trốn cũng cần vận động con, em về nước đúng hạn”.

Đồng thời, các cơ quan chức năng phải tích cực triển khai các giải pháp xử lý lao động vi phạm theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương để tỉ lệ lao động bỏ trốn cao, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiến nghị Thủ tướng để dừng tiếp nhận lao động ở khu vực này.

Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa 8), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất với Chính phủ cho phép cử đại diện sang Hàn Quốc để tới tuyên truyền, vận động từ phía các doanh nghiệp đang sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn.



Hoàng Mạnh ghi