Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm khi xảy ra bạo lực trẻ em

(Dân trí) - Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương khi để trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm quyền trẻ em, xâm hại tình dục, không xử lý kịp thời vi phạm quyền trẻ em…

Đây là một phần nội dung Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị số 23/CT-TTg được ban hành ngày 26/5, trước thềm Tháng 6 - Tháng hành động vì quyền trẻ em 2020.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm khi xảy ra bạo lực trẻ em - 1
Lễ ra mắt Ứng dụng Bảo vệ trẻ em Tổng đài 111 (năm 2019).

Nhiều thách thức

Nội dung Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện. Phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao. Các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Khoảng 2.000 vụ xâm hại được phát hiện trong năm

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em/năm bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ một số vấn đề về trẻ em vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, như: Bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.

Đánh giá về nguyên nhân của những tồn tại trên, Chỉ thị đã chỉ rõ: Do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng đúng mức công tác này.

Việc áp dụng chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả...

Xác định đúng trách nhiệm, đúng người

Trên cơ sơ đó, Chỉ thị đã nêu rõ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong việc phân cấp rõ trách nhiệm các bộ, ngành và UBND các cấp.

Về phía các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em.

Trách nhiệm người đứng đầu

"Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em..." - theo nội dung Chỉ thị 23/CT-TTg.

Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.

UBND các cấp cần xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm". 

Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trực tiếp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả;

Đồng thời, Bộ cần xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước.

Trong chỉ đạo tại địa phương, Bộ cần đảm bảo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em. Công tác thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện thường xuyên…

Trách nhiệm của nhiều bộ, ngành liên quan

Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm của nhiều bộ, ngành liên quan, như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp…

Bộ Y tế cần triển khai chính sách, giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đẩy mạnh hơn nữa chính sách, giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn việc thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam…

Hoàng Mạnh