1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngư dân gặp khó với quy định về thợ máy khi vươn khơi

(Dân trí) - Tại Quảng Ngãi, chủ tàu muốn tìm đủ bạn thuyền để vươn ra khơi xa đã khó. Càng khó hơn khi theo quy định mới buộc tàu cá dài trên 15m, công suất trên 500 CV phải có lao động có chứng chỉ thợ máy mới đủ điều kiện ra khơi.

Theo quy định của Thông tư 22 năm 2018 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhóm tàu cá có chiều dài trên 15 mét, công suất trên 500 CV phải có thợ máy mới được phép ra khơi. Quy định này khiến chủ tàu cá "đau đầu" bởi không thể tìm được ngư dân có chứng chỉ thợ máy.

Ngư dân Trần Viết Tiết (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) sở hữu con tàu có công suất 535 CV, chiều dài tàu trên 16 m. Theo Thông tư 22, tàu của ngư dân Trần Viết Tiết muốn xuất bến phải có một lao động có chứng chỉ thợ máy. Tuy nhiên, suốt thời gian qua ngư dân Tiết vẫn chưa tìm được bạn thuyền đáp ứng tiêu chuẩn.

“Tàu cá của tôi thuộc diện phải có thợ máy mới được ra khơi. Điều này là rất khó bởi việc tìm đủ lao động đi biển đã khó nói chi tìm một người được đào tạo chứng chỉ thợ máy", ngư dân Tiết chia sẻ.

Ngư dân gặp khó với quy định về thợ máy khi vươn khơi - 1
Theo quy định mới, tàu cá dài trên 15 m, công suất trên 500 CV phải có thợ máy khi ra khơi.

 Theo ngư dân Trần Viết Tiết, lao động đi biển thường "nhảy việc", nay đi tàu này nhưng vài tháng sau lại theo tàu khác. Do đó, chủ tàu lo ngại khi đưa lao động đi đào tạo chứng chỉ thợ máy.

"Mình đưa đi đào tạo rồi về phục vụ cho tàu mình luôn thì không sao. Nhưng nếu họ chỉ phục vụ mình một thời gian rồi sang tàu khác làm việc thì sao. Do đó, rất khó có thể tìm được thợ máy để ra khơi theo quy định", ngư dân Tiết lí giải.

Ngư dân gặp khó với quy định về thợ máy khi vươn khơi - 2
Theo Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, phần lớn tàu cá chưa tìm được thợ máy theo quy định.

 Tình trạng thiếu lao động đi biển khá phổ biến ở vùng biển Quảng Ngãi. Chính vì vậy, việc phải tìm được người có chứng chỉ thợ máy càng khó khăn bội phần. Trong khi đó, đến thời điểm này chưa có đơn vị nào trong tỉnh mở lớp đào tạo, hoặc cấp chứng chỉ thợ máy cho ngư dân.

Ông Lê Huy Phúc - Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An cho rằng, nếu máy trưởng có thể kiêm luôn thợ máy thì sẽ thuận lợi hơn cho ngư dân. Còn nếu yêu cầu phải có thêm người có chứng chỉ thợ máy riêng thì sẽ rất khó cho chủ tàu.

"Thực tế thì nếu tàu cá xa bờ mà hư máy là phải lai dắt tàu về bờ bởi thợ máy cũng khó có thể sửa chữa, thay thế thiết bị ngay trên biển", ông Phúc cho biết.

Theo Thượng úy Lâm Đình Hiếu - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ (TP. Quảng Ngãi), quy định mới rất khó cho chủ tàu nên hiện nay các tàu cá khi đến làm thủ tục xuất bến đều chưa có thợ máy. 

"Một mặt chúng tôi thường xuyên nhắc nhở ngư dân, chủ tàu phải tham gia đào tạo chứng chỉ thợ máy ngay khi có điều kiện. Mặt khác, chúng tôi đã đề nghị giãn thời gian thực hiện quy định này", Thượng úy Hiếu thông tin.

Ngư dân gặp khó với quy định về thợ máy khi vươn khơi - 3
Nhiều chủ tàu cá muốn gửi lao động đi đào tạo chứng chỉ thợ máy nhưng chưa được nơi đào tạo.

 Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, theo đúng lộ trình thì Thông tư 22 có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Tuy nhiên, đây là quy định khá mới, hơn nữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa đưa ra chương trình, khung đào tạo thợ máy nên tạm thời quy định này tạm dừng. Thế nhưng, Thông tư đã được ban hành thì chắc chắn sẽ được áp dụng dẫn đến nguy cơ nhiều tàu cá phải nằm bờ vì không đủ điều kiện ra khơi.

"Hiện chúng tôi đang liên hệ với một số cơ sở đào tạo uy tín để khi Bộ đưa ra khung đào tạo thì sẽ tạo điều kiện để ngư dân tham gia nhằm đáp ứng đủ điều kiện khi vươn ra khơi xa", ông Sơn nói.

Quốc Triều