1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghệ An: Hối hả làng nghề chổi đót Hoà Hội ngày giáp Tết

(Dân trí) - Còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý, những ngày này, người dân làng nghề chổi đót Hòa Hội, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đang hối hả chay đua cùng thời gian để kịp cung ứng cho thị trường Tết.

Nghệ An: Hối hả làng nghề chổi đót Hoà Hội ngày giáp Tết  - 1

Mỗi người một công đoạn quấn dây, bó đót… 

Làng nghề chổi đót Hòa Hội có 135 hộ, trong đó có trên 90% số hộ dân làm nghề này. Hộ làm ít cũng có từ 2-3 lao động, hộ nhiều thì có từ 5-8 lao động, từ lâu nghề làm chổi đót đã trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

Hàng năm cứ vào dịp Tết nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng nên nhiều hộ phải thuê thêm nhân công về làm ngày làm đêm để kịp cung ứng cho thị trường.

Chị Nguyễn Thị Lan, xóm Hòa Hội, xã Nghĩa Hội cho biết: “Càng về cuối năm nghề chổi đót của chúng tôi càng phát triển mạnh vừa đưa sản phẩm đi nhiều nơi. Còn cây đót chúng tôi phải thu mua từ đầu năm để giá được rẻ hơn. Cuối năm muốn sản phẩm được nhiều chúng tôi phải thuê nhân công để làm thêm, bình thường mỗi ngày làm 10-15 cái”.

Nghệ An: Hối hả làng nghề chổi đót Hoà Hội ngày giáp Tết  - 2

Ngoài việc chăm lo đồng áng, thời gian còn lại bà con luôn tay, tất bật cho nghề.

Không khí làm việc tất bật, nhộn nhịp bao trùm khắp làng chổi Hòa Hội. Mỗi người một công đoạn: quấn dây, bó đót… ai nấy đều chuyên tâm với công việc của mình để cho ra sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng.

Để có được cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp phải có đôi tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là công đoạn vào cán và bện chổi.

Bông đót để làm chổi đạt chất lượng phải phơi được nắng, có màu trắng xanh, bông dài.

Ông Nguyễn Thanh Bình - một hộ dân làm nghề hơn 50 năm cho biết: “Làm nghề chổi đót thu nhập khá hơn so với làm nghề nông, lại tranh thủ được thời gian, người cao tuổi vẫn có thể làm được vì làm trong nhà, mát mẻ, công việc khá nhẹ nhàng, không đòi hỏi dùng nhiều sức. Mỗi ngày cũng kiếm được từ 100-120 ngàn đồng”.

Nghệ An: Hối hả làng nghề chổi đót Hoà Hội ngày giáp Tết  - 3

Những đôi tay thoăn thoắt cố định sợi dây mây hoặc sợi cước vào chổi cho chắc chắn để không bị tuột đót khi quét.

“Tôi làm nghề chổi đót này từ năm 1964, sau khi được tỉnh công nhận làng nghề dân số làm cũng nhiều hơn. Vào dịp Tết như thế này thì tiêu thụ mạnh, mỗi ngày gia đình tôi 5 người làm được hơn 100 cái”, ông Bình cho biết thêm.

Trước đây, chổi Hòa Hội chỉ làm bằng cán đót nhưng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân đã sản xuất thêm nhiều mẫu mã như chổi cán gỗ, cán nhựa được người tiêu dùng ưa chuộng.

Những năm qua, làng nghề chổi đót Hòa Hội không chỉ giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mà còn góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 34 triệu đồng/người/năm.

Nghệ An: Hối hả làng nghề chổi đót Hoà Hội ngày giáp Tết  - 4
Nghệ An: Hối hả làng nghề chổi đót Hoà Hội ngày giáp Tết  - 5

Đót được người dân mua dữ trự từ đầu năm.

Ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã - phụ trách làng nghề chổi đót Hòa Hội, xã Nghĩa Hội cho biết: “Làng nghề có từ năm 1965 mãi đến năm 2007 được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề chổi đót. Bà con tranh thủ ngày nắng mưa làm thêm, trung bình mỗi tháng từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Nhưng vào dịp Tết nhà nào cũng phải thuê thêm lao động thu nhập từ 7-8 triệu, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân làng nghề nói riêng và của địa phương nói chung”.

Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến rất gần. Không khí lao động, sản xuất ở làng nghề chổi đót có từ 55 năm trước cũng vì thế mà tất bật, nhộn nhịp hơn.

Hy vọng rằng, với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, những người làm nghề sẽ sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng vừa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình để đón cái Tết đầm ấm vui vẻ.

Thái Duy