1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghệ An: Hoạt động xuất khẩu lao động ảm đạm vì dịch Covid-19

(Dân trí) - Thời gian này mỗi năm là "thời điểm vàng" với các công ty XKLĐ ở Nghê An. Nhưng giờ đây, thị trường lao động này khá đìu hiu vắng vẻ, nhiều lao động "mắc kẹt" khó xuất cảnh.

Nghệ An: Hoạt động xuất khẩu lao động ảm đạm vì dịch Covid-19 - 1
XKLĐ được xem là "mũi nhọn" trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động Nghệ An (ảnh minh họa).

Nghệ An là một trong số những địa phương có số lượng người đi XKLĐ nhiều nhất cả nước.

Trung bình mỗi năm, lao động ở nước ngoài gửi về quê nhà Nghệ An hàng chục triệu đô la. Xuất khẩu lao động cũng được tỉnh đánh giá là “mũi nhọn” trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, năm 2020, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đưa 13.000 lao động đi XKLĐ nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống, tỉnh Nghệ An cũng hướng tới mở rộng thị trường lao động có yêu cầu cao, đồng nghĩa với việc thu hút nhiều hơn nguồn ngoại tệ cho tỉnh.

Tuy nhiên hướng đi “hái ra tiền” này hiện đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhất là khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang phong tỏa và cấm nhập cảnh.

Nghệ An: Hoạt động xuất khẩu lao động ảm đạm vì dịch Covid-19 - 2
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp XKLĐ không tổ chức được các buổi hội thảo, giới thiệu, tư vấn cho người lao động.

Thời điểm tháng 3 và 4 hàng năm được xem là thời điểm vàng trong xuất khẩu lao động ở Nghệ An. Nhưng hiện nay, số lao động tỉnh Nghệ An đã xuất cảnh mới chỉ hơn 2.500 người, chưa bằng 1/5 kế hoạch của cả năm.

Các lao động này chủ yếu đến các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tất nhiên, hoạt động xuất cảnh này đều xảy ra trước khi các quốc gia trên chưa thực hiện lệnh phong tỏa, cấm nhập cảnh để phòng dịch Covid-19.

Đơn cử như Công ty CP quốc tế Kaizen (TP Vinh, Nghệ An), chuyên đưa người đi XKLĐ tại Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Dubai, Angieri

Những năm trước, thời điểm sau Tết nguyên đán, công ty có khoảng 1.000-1.500 lao động Nghệ An tới đăng ký, dự tư vấn XKLĐ và xấp xỉ 600 lao động được xuất cảnh.

Tuy nhiên, dù đã bước sang tháng 4/2020, hoạt động tư vấn, xuất cảnh ở đây rất ảm đạm.

Nghệ An: Hoạt động xuất khẩu lao động ảm đạm vì dịch Covid-19 - 3
So với thời điểm này năm ngoái, hoạt động tư vấn, xuất cảnh của Công ty CP quốc tế Kaizen giảm đến gần 80%.

Bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch hội đồng kiêm Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Kaizen - cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, số lao động đến công ty để tư vấn hay xuất cảnh giảm từ 70 - 80%. Tình hình khó khăn xuất hiện từ sau Tết nguyên đán, đặc biệt là 2 tuần gần đây. Có ngày không có lao động nào đến doanh nghiệp để xin tư vấn".

Dịch bệnh cũng khiến các hoạt động hội thảo, tư vấn tập trung không thể triển khai.

Trong khi đó, do vướng lệnh cấm nhập cảnh của nhiều nước nên công ty có gần 60 lao động đã xin được visa cũng chưa thể xuất cảnh. 

Bà Huyên đánh giá, thời điểm này khó khăn nhất trong hoạt động XKLĐ của doanh nghiệp kể từ khi thành lập.

Trong 2 tuần tiếp theo, khi thực hiện cách ly xã hội toàn quốc, hoạt động XKLĐ càng khó khăn hơn.

Câu chuyện tương tự với Công ty CP thương mại Phúc Chiến Thắng.  Nếu như các năm trước, sau Tết nguyên đán, Công ty tiếp hơn 100 lao động/tháng đến tư vấn XKLĐ, khoảng 50 - 60 lao động xuất cảnh. Nhưng tới nay, con số này giảm xuống chỉ còn 1/5, thậm chí 1/6.

Trong khi một số doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ phải đóng cửa dừng hoạt động, Công ty thương mại Phúc Chiến Thắng và Công ty CP quốc tế Kaizen vẫn cố gắng mở cửa hoạt động cầm chừng, giải quyết những thủ tục cần thiết cho người lao động.

Tuy nhiên, để giảm thiếu chi phí trong thời điểm này các công ty chỉ duy trì 50% nhân viên do khối lượng công việc giảm sút, bộ phận hành chính nhân sự buộc phải tạm thời cho nghỉ việc.

Nghệ An: Hoạt động xuất khẩu lao động ảm đạm vì dịch Covid-19 - 4

Đối tác nước ngoài trực tiếp khảo sát lao động tại Nghệ An

Nhiều doanh nghiệp dự báo tình hình khó khăn có thể kéo dài đến hết tháng 4, thậm chí sang tháng 6 ngành XKLĐ mới có thể phục hồi. 

Đánh giá về giải pháp ứng phó, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, cho biết: "Để đảm bảo công tác XKLĐ được đẩy mạnh sau dịch Covid-19, Sở đã đã chỉ đạo các đơn vị tham gia XKLĐ phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dự nguồn, duy trì hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng bằng hình thức online để không bị thiếu hụt lao động khi các thị trường có nhu cầu trở lại...".

Khi dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi, nhu cầu lao động từ các nước đối tác sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển sản xuất khôi phục nền kinh tế. Đây được coi mà cơ hội lớn của ngành XKLĐ khi để tuột “thời điểm vàng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội sàng lọc lao động, đặc biệt là số lao động bất hợp pháp đã về nước khi xảy ra dịch ở các quốc gia khác để cung ứng lao động có trình độ, có tay nghề và kỷ luật cho thị trường lao động ngoài nước.

“Chúng tôi cũng đã sẵn sàng các phương án “kích cầu” cho hoạt động thu hút lao động ra nước ngoài bằng cách hỗ trợ miễn, giảm chi phí xuất cảnh, miễn phí chương trình học tiếng và các chính sách khác cho người lao động sau khi hết dịch”, một chủ doanh nghiệp XKLĐ ở TP Vinh chia sẻ.

Hoàng Lam