Nên bỏ hẳn giới hạn giờ làm thêm trong năm?

Phần lớn người lao động mong muốn có thời gian được nghỉ ngơi để ngày hôm sau làm việc hiệu quả hơn, đồng thời có thời gian chăm sóc con trẻ học hành, chăm lo tốt hơn cho gia đình.

Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM phối hợp vừa được tổ chức mới đây.

Khi đề cập đến đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm (lên 400 giờ/năm), ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, đã đến lúc thực hiện giảm giờ làm việc cho người lao động (NLĐ) để họ có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình… được tốt hơn.

"Cần sửa đổi theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường xuống còn không quá 44 giờ trong một tuần, thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Thhời giờ làm việc cần hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ, khả năng tái tạo sức lao động..." - ông Tùng, bày tỏ.

Đồng thuận với ý kiến này, cán bộ Công đoàn tại một doanh nghiệp (DN) có gần 100.000 lao động tại quận Bình Tân, TP HCM cho biết, thực tế hiện nay, nhu cầu tăng ca phần lớn là từ chủ doanh nghiệp (DN) để chạy cho kịp thời gian theo đơn đặt hàng, chứ không phải là nhu cầu muốn tăng thêm thu nhập từ NLĐ.

Phần lớn NLĐ mong muốn có thời gian được nghỉ ngơi để ngày hôm sau làm việc hiệu quả hơn, đồng thời có thời gian chăm sóc con trẻ học hành, chăm lo tốt hơn cho gia đình.

Nên bỏ hẳn giới hạn giờ làm thêm trong năm? - 1

Phần lớn người lao động mong muốn có thời gian được nghỉ ngơi

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, bạn đọc Phương Nguyên, bày tỏ: Không tăng ca thì không đủ sống là thực trạng đáng buồn. Nếu tài giỏi, các chuyên gia kinh tế nên tìm cách sao cho công nhân (CN) chỉ làm đủ giờ mà vẫn đủ sống thay vì tìm cách tăng giờ làm.

Đồng quan điểm, bạn đọc tên Liêm, góp ý: "Tiền lương công nhân (CN) không đủ sống thì phải làm tăng ca, nếu tăng ca cũng không đủ sống thì phải chấp nhận kéo dài tuổi nghỉ hưu để sống được ngày nào thì sống.

Theo bạn đọc Lê Nguyên, đề nghị tăng giờ làm thêm chẳng khác nào vắt cho cạn kiệt sức lực của NLĐ. "Có ngụy biện không khi cho rằng làm thêm giờ để tăng thu nhập, trang trải cho cuộc sống trong khi còn nhiều cách khác như cải thiện lương bổng,đầu tư máy móc,công nghệ để tăng năng suất...thì không làm, lại làm ngược với xu hướng tiến bộ của thế giới?" – bạn Lê Nguyên, đặt vấn đề.

Nên bỏ hẳn giới hạn giờ làm thêm trong năm? - 2

Chính sách phải hài hòa quyền lợi giữa các bên mới tạo được sự phát triển bền vững

Đề cập đến đề xuất này, bạn đọc Trần Thanh Sơn, góp ý: Nên điều chỉnh giờ làm còn 44 giờ một tuần. Nếu doanh nghiệp (DN) nào sử dụng 4 giờ này thì sẽ tính bằng 150%, như vậy DN có thể sử dụng 400 giờ làm thêm trong 1 năm trong đó 200 giờ theo Luật hiện tại và 200 giờ phát sinh do giảm 4 giờ một tuần.

Tương tự, bạn đọc tên Hai đề xuất nên bỏ hẳn giới hạn giờ làm thêm trong năm, chỉ cần giữ nguyên giới hạn không quá 4 giờ/ngày và không quá 30 giờ/tháng là đủ rồi.

Trong khi đó, bạn đọc Trần Sỹ Thi kiến nghị: "Tăng ca luỹ tiến... tính lên, nếu không DN ngông nghênh tăng hoài". Nhẹ nhàng hơn, bạn đọc Nguyễn Phúc Hội, góp ý chính sách phải hài hòa quyền lợi giữa các bên một cách phải lẽ mới tạo được sự phát triển bền vững.

Theo An Chi/Người Lao động