1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năng suất lao động Việt Nam thấp "đáng hổ thẹn": Tại sao?

(Dân trí) - Sẽ là phiến diện nếu kết luận, năng suất lao động của VN xếp gần áp chót trong khu vực là lỗi của doanh nghiệp hay người lao động?. Cuộc tọa đàm về năng suất lao động do Tổng LĐLĐ VN tổ chức hôm 14/10 tại Hà Nội là dịp để 2 bên giãi bày về điều này.

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của VN kém Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Một khảo sát khác cho thấy, trong 3 năm 2011-2013, tốc độ tăng NSLĐ của VN tăng 3%/năm, trong khi GDP tăng trưởng 5%. Điều này có nghĩa là, NSLĐ của VN còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia.

Tăng lương trước hay tăng năng suất lao động?
Tăng lương trước hay tăng năng suất lao động?

Đừng nói doanh nghiệp không quan tâm NSLĐ

Ông Nguyễn Xuân Dương: “Cơ chế khiến NSLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ”. Trong doanh nghiệp, NSLĐ được cụ thể hóa tới từng xu. Doanh nghiệp may thực hiện đơn giá 1,1 USD/chiếc sơ mi. Sau 10 năm, giá vẫn thế! Vậy chỉ có cách tăng NSLĐ.

Cơ chế ảnh hưởng tới NSLĐ. Ông Dương ví dụ, chính sách cho lao động xin nghỉ 1 lần dù sắp đến tuổi hưu khiến ngành dệt mất nhiều thợ lành nghề. “Một loạt thợ có tay nghề cao nộp đơn xin nghỉ việc kiếm 50-70 triệu đồng ra ngoài làm, ảnh hưởng tới NSLĐ. Lao động trong sản xuất dây chuyền, khi 1 công đoạn bị sự điều chỉnh có thể làm cả dây chuyền đang sản xuất từ 1.000 chiếc sơ mi/ngày, ngay hôm sau chỉ còn 600 chiếc.

Thời gian làm thêm ít ảnh hưởng tới NSLĐ. Ông Dương chỉ ra: VN chỉ cho phép doanh nghiệp làm thêm 200 giờ/năm. Điều này làm giảm NSLĐ. Trong khi đó, Trung Quốc tới 600 giờ/năm, Nhật Bản hơn 500 giờ/năm. “Bởi vậy, công nhân may muốn có lương tháng 8 triệu đồng thì phải làm thêm “chui”.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng thư ký VCCI: “VN vẫn dùng lao động giá rẻ để cạnh tranh!”.

VN đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế bởi vẫn cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ. “Chứ không phải cạnh tranh trên nền tảng đối mới sáng tạo như Singapore hoặc yếu tố hiệu quả như Hàn quốc, Malayxia”.

Trong khi đó, năng suất thấp là nguyên nhân chính kìm hãm năng lực cạnh tranh - chìa khoá của tăng trưởng kinh tế.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Doanh nghiệp vướng nhiều thứ khi tăng NSLĐ”. Cụ thể: Doanh nghiệp thiếu vốn chất lượng lao động kém, phần lớn lao động được đào tạo theo kiểu truyền miệng, bắt tay chỉ việc. “Để giải quyết vấn đề tăng NSLĐ, doanh nghiệp phải tăng lương, tái tạo sức lao động. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo trình độ kỹ năng kỹ thuật cho người lao động”.

Người lao động phải được gắn lợi ích trong tăng NSLĐ.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: “Gắn lợi ích cho lao động khi tăng NSLĐ”. Trong cuộc tranh luận của Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa qua. Một số ý kiến cho rằng tăng năng suất lao động thấp thì không thể tăng lương cao được. Nhưng hiểu thế nào cho đúng về tăng năng suất lao động? nhân tố nào quyết định tăng năng suất lao động? giải pháp nào để tăng NSLĐ của doanh nghiệp và người lao động.

Thậm chí, để tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp cần cải tiến trước hay người lao động cần cải tiến trước. Đây là những câu hỏi lớn cho các bên. Đứng về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng cần chú trọng đầu tư công nghệ và đào tạo tay nghề cho công nhân, tạo động lực cho người lao động từ việc tăng NSLĐ…

Ông Vũ Quang Thọ Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN): “Lương thấp, khó nói chuyện tăng NSLĐ”. Khi lương tối thiểu còn thấp hơn mức sống tối thiểu, không thể đòi hỏi người lao động có những kỹ thuật, những thái độ tốt hơn đối với các doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp.

“Là một công dân VN tôi cũng tự thấy đáng hổ thẹn. Hổ thẹn ở chỗ VN cùng làm ăn sinh sống trong khu vực, nhưng nước bên cạnh họ lại vươn lên. Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Chúng ta không cần che giấu, đây là một sự thấp kém của VN” – ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất VN (Bộ Khoa học và Công nghệ):“Cái vướng hiện nay trong doanh nghiệp là chưa tạo được động lực để người lao động đóng góp ý kiến vào quá trình nâng cao NSLĐ. Một số nơi cứ áp dụng ý kiến của lãnh đạo là tuyệt đối”. Thậm chí có doanh nghiệp còn vùi dập ý kiến của người lao động.

"Công đoàn của một doanh nghiệp ngoài quốc doanh tổ chức thi đua. Nhưng người công nhân từ chối tham gia với lý do: Trước đây, tôi làm 10 sản phẩm/ngày, khi thi đua tôi làm được 15 sản phẩm/ngày. Doanh nghiệp thấy thế áp dụng luôn định mức đó. Tôi không được chia lợi nhuận từ phần tăng lương. Bởi vậy, tôi sẽ không thi đua” - ông Mai Đức Chính nói.

Hoàng Mạnh