1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu: Chỉ đáp ứng dưới 90 % nhu cầu sống tối thiểu

(Dân trí) - “Khảo sát đầu năm 2017 về thu - chi của người lao động cho thấy, hơn 64% người lao động có tiết kiệm hoặc đủ trang trải cho cuộc sống, khoảng 20% phải chi tiêu tằng tiệm, 12,0% thu nhập không đủ sống. Người lao động phải làm thêm công việc khác ngoài doanh nghiệp”.

Lương tối thiểu: Chỉ đáp ứng dưới 90 % nhu cầu sống tối thiểu - 1

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi với PV Dân trí về thu nhập và đời sống người lao động trước mùa tăng lương tối thiểu 2017.

Lo lắng trước những khó khăn trong đời sống người lao động, ông Lê Đình Quảng cho biết: Mức chi tiêu tối thiểu của một cá nhân người lao động trung bình hiện là 3.860.000 đồng/người/tháng. Trong đó tiền ăn: 1.587.000 đồng/tháng; tiền cho sinh hoạt: 1.286.000 đồng/tháng; tiền chi cho học tập, giải trí: 987.000 đồng/tháng.

Xếp theo vùng lương, mức chi tiêu tối thiểu tại vùng 1,2,3 và 4 lần lượt là: 4.199.000 đồng, 3.826.000 đồng, 3.683.000 đồng và 3.347.000 đồng.

Theo ông Lê Đình Quảng, mức chi tiêu tối thiểu được cấu thành từ 3 nguồn chính là: Chi tiêu cho ăn uống, chi tiêu cho sinh hoạt và chi tiêu cho học tập giải trí.

Khảo sát của Tổng LĐLĐ VN mới đây cho thấy, mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình có 4 người (2 người lao động nuôi 2 con) là 9.072.000 đồng/tháng.

Trong đó, tại vùng 1 là 9.841.000 đồng/tháng, vùng 2 là 8.889.000 đồng/tháng, vùng 3 là 8.225.000 đồng/tháng và vùng 4 là 7.478.000 đồng/tháng.

“Với bức tranh như trên, nhìn chung đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập chỉ vừa đủ cho các khoản chi phí sinh hàng ngày, người lao động hầu như không còn dư dật để mua sắm nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Lê Đình Quảng nói.

Chưa kể với lao động nhập cư còn phải chi thêm các khoản thuê nhà, điện nước với giá cao không được ưu đãi.

Trong khi đó, vị phó Ban Quan hệ lao động cũng cho rằng còn nhiều bất cập giữa quy định lương tối thiểu vùng và thực tế.

Theo Khoản 1, Điều 91 Bộ Luật Lao động 2012 xác định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” và mức lương tối thiểu vùng hàng năm là do Chính phủ công bố.

Ông Lê Đình Quảng nhận định: “Song, hiện nay, mức lương tối thiểu vùng chỉ mới đáp ứng dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Như vậy, dưới góc độ pháp chế, bản thân chính cơ quan nhà nước đã không tuân thủ quy định của pháp luật”.

Phân tích về việc khó xác định yếu tố nhu cầu sống tối thiểu, vị phó Ban Quan hệ lao động cho biết: Nhu cầu sống tối thiểu là một yếu tố động, rất khó xác định chính xác.

Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định các tiêu chí cụ thể để xác định “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” cũng như cơ quan có thẩm quyên công bố “nhu cầu sống tối thiểu”.

“Hệ lụy của bất cập này dẫn đến tình trạng mỗi năm các cơ quan chức năng khác nhau lại đưa ra những con số khác nhau về “nhu cầu sống tối thiểu” làm cho việc thương lượng, đàm phán về mức lương tối thiểu hàng năm của Hội đồng tiền lương Quốc gia gặp nhiều khó khăn” - ông Lê Đình Quảng nhận định.

Theo ông Lê Đình Quảng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nhiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. Theo đó khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.

“Đồng thời phải quy định các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu, cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu” - ông Lê Đình Quảng nói.

Hoàng Mạnh