1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu 2019: Chuyên gia lao động dự đoán tăng từ 5-6 %

(Dân trí) - “Về nguyên lý, tốc độ tăng lương tối thiểu chỉ bằng 70 % mức tăng của năng suất lao động. Do đó, nếu như GDP của năm 2019 tăng 6,5-7%, mức độ tăng lương tối thiểu có thể chỉ trong vòng 5-6 %”

Lương tối thiểu 2019: Chuyên gia lao động dự đoán tăng từ 5-6 % - 1

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia - nhận định về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Cần thấp hơn tăng năng suất

Phân tích về diễn biến lương tối thiểu, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, những đánh giá mới đây về năng suất lao động cho thấy mối quan hệ giữa lương tối thiểu và năng suất lao động đang ở thế không có lợi.

“Theo đó, tốc độ tăng lương tối thiểu đang cao hơn tăng năng suất lao động. Tỷ lệ lương tối thiểu so với năng suất lao động tới 50%, trong khi đó các nước chỉ ở mức 25-30%. Như vậy về mặt lí thuyết, tốc độ tăng lương tối thiểu có lẽ cần phải có những điều chỉnh, điều tiết cho phù hợp hơn” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

lan huong

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội

Cũng theo vị chuyên gia trên, đứng ở góc độ về kinh tế học, tốc độ tăng năng suất lao động phải cao hơn tăng lương tối thiểu.

Có như vậy, tăng lương tối thiểu thực sự phải dựa trên năng suất lao động, khả năng của doanh nghiệp như vậy không tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp mới có “dư địa” để dành một phần cho đầu tư, tái tạo sản xuất.

Theo thông lệ những năm gần đây, vào thời điểm này, Hội đồng tiền lương Quốc gia bắt đầu có những độ thái chuẩn bị cho các Phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng của năm sau.

Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các địa phương báo cáo về việc thực hiện lương tối thiểu vùng năm 2018, làm cơ sở điều chỉnh trong năm 2019.

Được biết, trong tháng 5, Hội đồng Tiền lương Quốc Gia đã kết thúc cuộc khảo sát tiền lương, thu nhập của người lao động và tác động của lương tối thiểu 2018 tại 5 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực may mặc, chế biến thuỷ sản, chế biến thức ăn, sản xuất giày dép. Qua đó đánh giá ghi nhận ý kiến của người lao động và doanh nghiệp về việc điều chỉnh lương tối thiểu 2019.

Giải pháp cuối cùng?

Dù thực tế việc tăng lương tối thiểu phải thấp hơn tăng năng suất lao động, nhưng tại sao vẫn diễn ra nghịch lý ở Việt Nam?

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên nhân là hệ thống tiền lương có sự ràng buộc lẫn nhau. Việc tăng lương tối thiểu hiện nay vẫn có tính đồng loạt.

“Lương tối thiểu tháng chưa thể hiện được sát sao hoạt động được kinh tế thị trường. Chúng ta phải tính tới áp dụng lương tối thiểu giờ để đảm bảo sát hơn điều kiện của thị trường” - bà Nguyễn Thị Lan Hương.

“Những tưởng việc tăng lương tối thiểu chỉ dành cho những lao động không có chuyên môn kỹ thuật, thì nay lại tăng cho tất cả lao động. Như vậy, những người có hệ số lương càng cao, vị trí càng cao thì càng có lợi” - bà Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra sự bất hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, cần có giải pháp để “cắt đứt” sự ràng buộc theo hướng tự động tăng như trên, đưa việc tăng lương tối thiểu về ý nghĩa ban đầu là chỉ đảm bảo “mức sàn” thấp nhất.

Về việc tuân thủ, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh tới việc chú trọng nghiên cứu mức độ tuân thủ và những khu vực chịu ảnh hưởng của tăng lương tối thiểu.

Theo đó, chỉ có khu vực đầu tư nước ngoài thực hiện có phần nghiêm túc việc tăng lương tối thiểu. “Còn 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã áp dụng mức lương trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ lâu rồi” - vị chuyên gia cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, tăng lương tối thiểu không phải là một giải pháp cuối cùng. “Mục tiêu của tăng lương tối thiểu chỉ là giảm bóc lột, chống đói nghèo, chống sự phân biệt. Nhưng nếu chỉ dựa trên mức độ tác động của tăng lương tối thiểu đến đối tượng khác càng cao thì hiệu quả hệ thống ấy càng thấp” - bà Nguyễn Thị Lan Hương cảnh báo.


Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017.

Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017.

Hoàng Mạnh