Lớp học đạo đức doanh nghiệp tại Nhật Bản

Hàng chục nghìn lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhỏ tại Nhật Bản vẫn đang đều đặn tham gia một lớp học được tổ chức hàng tuần, có tên gọi "Lớp học Đạo đức doanh nghiệp".

Lớp học đạo đức doanh nghiệp tại Nhật Bản

Doanh nghiệp tư nhân có cần thực hiện các trách nhiệm xã hội không, có cần xem đạo đức như một tiêu chí hoạt động cơ bản nhất không? Đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, câu trả lời là "có".

Hàng chục nghìn lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhỏ tại Nhật Bản vẫn đang đều đặn tham gia một lớp học được tổ chức hàng tuần, có tên gọi "Lớp học Đạo đức doanh nghiệp".

6h sáng thứ Bảy, khi phần lớn mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, các chủ doanh nghiệp ở tỉnh Kanagawa đã mặc quần áo chỉnh tề để đến tham gia một lớp học về đạo đức kinh doanh . Còn sớm nhưng ban tổ chức và các học viên đều đã rất tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng.

Mặc dù hình thức là một lớp học nhưng phần lớn thời gian được dùng cho học viên trao đổi, kể lại các kinh nghiệm bản thân. Những câu chuyện xoay quanh lòng biết ơn với cuộc sống, gia đình, khách hàng, hòa thuận với những người cùng nghề, quan tâm đến cuộc sống nhân viên.

Tôn chỉ của lớp học là người chủ phải làm những công việc khó khăn nhất, vất vả nhất, không đùn đẩy cho nhân viên. Một trong những cách rèn luyện tâm lý này là cọ nhà vệ sinh. Ông Ishi Shoji và ông Mochizuki là những nhà doanh nghiệp có địa vị nhưng luôn tự mình cọ rửa nhà vệ sinh.

Phong trào đạo đức doanh nghiệp được khởi nguồn từ năm 1945 khi nước Nhật vừa bị tàn phá trong chiến tranh thế giới thứ 2 và lối làm ăn chộp giật trở thành vấn đề lớn của xã hội. Những người làm ăn nghiêm túc đã tập hợp lại để truyền bá các triết lý nhân sinh trong kinh doanh.

Trong lớp học, có những ông bố, bà mẹ dắt cả con nhỏ đi. Cậu bé còn ngái ngủ và chưa hiểu chuyện, nhưng có lẽ em sẽ cảm nhận được lòng tốt, sự nhiệt tình và biết ơn của những người có mặt tại đây, để sau này trở thành một doanh nhân có đạo đức với một sự nghiệp kinh doanh bền vững, lâu dài.

Theo VTV.VN