1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động từ 24-30 tuổi: Có tỷ lệ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất

(Dân trí) - Người lao động ở độ tuổi 24-40 hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân là nhóm lao động có sức khỏe, năng động, nhu cầu chuyển đổi công việc cao hơn các nhóm khác. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn các nhóm tuổi khác.

Lao động từ 24-30 tuổi: Có tỷ lệ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất - 1

Đây là nội dung trong báo cáo hoạt động của các TT DVVL thuộc ngành LĐ-TB&XH tới tháng 9/2016. Theo đó, toàn quốc có 597.173 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn việc làm, 95.774 người được giới thiệu việc làm, 18.297 được hỗ trợ dạy nghề, 382.549 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lượng người đăng ký BHTN: Tăng nhẹ

Báo cáo hoạt động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp của các TT DVVL cho thấy, về cơ bản số lao động nữ mất việc làm nhiều hơn lao động nam, chủ yếu ở nhóm tuổi 24-40 tuổi do phải đối mặt với nhiều rào cản trên thị trường lao động- việc làm như: Tồn tại sự phân biệt đối xử giữa lao động nữ và nam, hạn chế trong lựa chọn công việc (một số lĩnh vực lao động nữ không thể tham gia)…

Đánh giá của Cục Việc làm cho thấy, việc tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2015 là 527.332 người, tăng nhẹ 2,1% so với năm 2014 (516.483 người). Nguyên nhân là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng dẫn tới số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng.

Ông Lê Quang Trung - Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - nói về lợi ích của chính sách BHTN tới người lao động.

Đồng thời, tình hình kinh tế tuy đã ổn định nhưng còn nhiều khó khăn, tại các doanh nghiệp tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất vẫn tiếp diễn kéo theo việc cắt giảm lao động nên số người thất nghiệp do đó tăng theo.

Về hỗ trợ học nghề, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan lao động tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Số lượng người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để nhanh chóng tìm được việc làm.

Thống kê của Cục Việc làm cho thấy, người lao động chủ yếu đăng ký học là tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, lái xe...

Hệ thống các TT DVVL - cần nhiều hỗ trợ

Đánh giá hoạt động qua 9 tháng của Cục việc làm cho thấy, bên cạnh những ưu điểm trong hoạt động, hệ thống các TT DVVL còn không ít khó khăn.

Cụ thể, số nhân lực được địa phương trả lương bố trí để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm không có thu như tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường lao động rất thấp, chưa xứng tầm với nhiệm vụ. Tổng số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này là 705 người, chiếm 23,8% tổng số nhân viên toàn Trung tâm.

Một trong các nguyên nhân là do nguồn tài chính chi cho hoạt động thường xuyên của các Trung tâm rất hạn hẹp, trong khi những hoạt động này hầu như không tạo ra nguồn thu, một số địa phương chỉ bố trí được từ 5-7 biên chế cho Trung tâm (Phú Yên, Đồng Nai).

Ngoài ra, cơ cấu tổ chức ngang (Trung tâm thuộc UBND tỉnh) nên một bộ phận không nhỏ nhân viên đã qua đào tạo kỹ năng bị điều chuyển công việc khác gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chuyên môn của các Trung tâm DVVL.

Nhiều trung tâm chưa xây dựng, ban hành mã tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức làm trong ngành dịch vụ việc làm. Thậm chí, nhiều trường hợp người lao động đã công tác ở Trung tâm lâu năm như định suất bảo hiểm thất nghiệp nhưng không thể bổ nhiệm được vì lý do không phải là viên chức và đang thực hiện chế độ hợp đồng.

Chỉ có một số địa phương như: Hải Dương, Gia Lai, Tiền Giang, Khánh Hòa đã vận dụng giao biên chế cho Trung tâm nhưng hưởng lương ngân sách của Trung ương (Quỹ bảo hiểm thất nghiệp).

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2016-2017

Từ 9-11h sáng nay (Thứ 3, 29/11), Báo điện tử Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tổ chức giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2016-2017.

Nội dung sẽ xoay quanh việc làm rõ những thắc mắc về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Đối tượng người lao động nào sẽ được quyền tham gia BHXTN, doanh nghiệp được quy định mức đóng BHTN ra sao, việc chuyển địa điểm hưởng bảo hiểm thất được luật định như thế nào...Đặc biệt, buổi giao lưu sẽ tiếp nhận trực tiếp nhiều thắc mắc của bạn đọc các địa phương về những vướng mắc hoặc phát hiện những điểm chưa đúng trong triển khai, áp dụng chính sách BHTN tại từng doanh nghiệp cụ thể. Thông tin cho tiết, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ email: hoangmanh@dantri.com.vn

P.M

Tháng 10/2016: Nợ bảo hiểm thất nghiệp lên tới 474 tỉ đồng

Đây là số liệu được BHXH VN công bố trong họp báo giữa tháng 11/2016 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, số nợ BHXH và BHYT cũng khá cao: Nợ BHXH: 9.670 tỉ đồng, nợ BHTN: 472 tỷ đồng, nợ BHYT: 4.115 tỉ đồng.

Theo BHXH VN ước tính, tống số nợ của 3 loại hình BHXH, BHYT và BHTN đã lên tới 14.257 tỉ đồng, có nguy cơ ảnh hưởng tới 2,66 triệu lao động trong cả nước. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH VN nhận xét: “Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng vẫn cố tình nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Thậm chí có doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động, bằng cách trừ tiền lương nhưng sử dụng vào mục đích khác, không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN”. Đại diện BHXH VN cho biết, ngành BHXH dù đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa nhưng tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ở hầu hết các địa phương. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN và xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Liên quan tới tình hình khởi kiện doanh nghiệp nợ BHTN, BHXH, từ năm 2015 trở về trước, tổng số vụ cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.840 vụ tương ứng với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỉ đồng. Tòa án đã xét xử 3.986 vụ, tương ứng số tiền thu về quỹ BHXH gần 980 tỉ đồng.

H.P

Ban hành chế độ mới về BHYT đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND

Thông tư số 43/2016/TT-BCA vừa được Bộ Công an ban hành nhằm quy định về biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể là: Bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; học viên Công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí. Mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế với một mã số do Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân quy định và được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế. Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tối đa không quá 60 tháng. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân quyết định thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đối với từng trường hợp cụ thể. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/12/2016. Các quy định về chính sách bảo hiểm y tế đối với cán bộ, chiến sĩ được thực hiện từ ngày 01/01/2016.

H.T