1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động thất nghiệp gia tăng ở Ninh Bình

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở Ninh Bình phải đóng cửa dẫn đến hàng ngàn lao động nghỉ việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động…

Lao đao vì thất nghiệp 

Thống kê mới nhất của tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải sản xuất cầm chừng, thậm chí phải tạm đóng cửa, dẫn đến nhiều người lao động mất việc.

Toàn tỉnh hiện có 546 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với trên trên gần 20.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Trong đó, trên 5.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trên 9.000 lao động phải ngừng việc và hơn 14.000 lao động sản xuất cầm chừng, không đủ công…

Lao động thất nghiệp gia tăng ở Ninh Bình - 1

Nhiều tháng qua chị Khuyên thất nghiệp ở nhà khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Bùi Thị Khuyên (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan) cho biết, trước đây từng làm việc cho một công ty may. Do dịch Covid-19, chị phải nghỉ việc từ tháng 4 đến nay.

“Công ty cho tôi nghỉ việc trước thời hạn, chấm dứt hợp đồng lao động và thông báo đợi khi nào có đơn hàng sẽ gọi quay lại làm việc”, chị Khuyên nói. 

Từ khi mất việc, cuộc sống gia đình chị Khuyên trở nên khó khăn hơn do không có thu nhập ổn định. Chị Khuyên chỉ ở nhà làm những việc với thu nhập bấp bênh.

Không chỉ chị Khuyên, tỉnh Ninh Bình có nhiều công nhân cũng đang trong tình cảnh “dở khóc dở cười” vì mất việc bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Hai vợ chồng chị Đỗ Thị Xoan thuê phòng trọ ở phố Bắc Sơn, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình hai tháng gần đây lao đao mỗi khi đến kỳ đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước… các chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao khiến vợ chồng chị vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Lao động thất nghiệp gia tăng ở Ninh Bình - 2

Chị Khuyên mong muốn dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi để chị được đi làm trở lại với công việc như trước kia.

Chị Xoan tâm sự, trước đây cũng làm việc cho một công ty giày da. Dịch Covid-19 khiến đơn hàng bị giảm, công ty chỉ bố trí cho làm 10 ngày/tháng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Cách đây 2 tháng, công ty thông báo cho chị nghỉ việc.

“Hiện cả 2 vợ chồng tôi đều đã nghỉ việc, không có việc làm ổn định cuộc sống gia đình đang rất khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào khoản thu nhập đi làm thuê không ổn định”, chị Xoan tâm sự. 

Nỗ lực hỗ trợ người lao động 

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở Ninh Bình chuyển sang trạng thái “bình thường mới” để đảm bảo vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Lao động thất nghiệp gia tăng ở Ninh Bình - 3

Nhiều doanh nghiệp tại Ninh Bình hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 tạo việc làm cho công nhân, có thêm thu nhập ổn định đời sống.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ tiếp tục bố trí cho người lao động nghỉ việc luân phiên hoặc cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, tình trạng này rơi vào các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trong các lĩnh vực may gia công và sản xuất giày dép. 

Theo đại diện Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho hay, bên cạnh những dấu hiệu phục hồi của các doanh nghiệp trong tháng 5, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các ngành chủ lực như ô tô, sản xuất linh kiện điện tử vẫn duy trì hoạt động nhưng giảm bớt số lao động hoặc tăng ngày nghỉ. Một số công ty tạm hoãn việc thực hiện hợp đồng lao động hoặc không gia hạn hợp đồng với những lao động hết thời hạn. 

Bà Lã Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh (huyện Yên Mô, Ninh Bình) cho biết, sau 2 tháng tạm đóng cửa, bắt đầu từ tháng 6, công ty mở cửa hoạt động trở lại nhưng mới chỉ có 100 công nhân được đi làm do đơn hàng ít, 35 công nhân còn lại vẫn phải tạm nghỉ.

Lao động thất nghiệp gia tăng ở Ninh Bình - 4

Công nhân tại một công ty ở Ninh Bình hăng say lao động.

“Công ty cũng thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, không hỗ trợ lương do không có đơn hàng. Không chỉ vậy, số lượng công nhân tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại đây rất ít, chỉ khoảng trên 30 người, nên khi nghỉ việc cũng không nhận được hỗ trợ gì”, bà Minh chia sẻ. 

Lao động đăng ký BHTN tăng nhanh

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình, lượng lao động đến làm các thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp khá đông. Từ đầu tháng 5 trở lại đây, trung bình, Trung tâm đón tiếp gần 200 người/ngày đến làm các thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp như nộp hồ sơ, trả kết quả và thực hiện khai báo. 

Tính từ đầu năm đến nay, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 2.000 lao động. Trong đó, riêng tháng 5 đã có 1.195 người nộp hồ sơ, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, số lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất lớn.

Lao động thất nghiệp gia tăng ở Ninh Bình - 5

Lao động đăng ký BHTN tại Ninh Bình tăng

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trung tâm đã phải tạm dừng các phiên giao dịch trực tiếp nhằm tránh việc tập trung đông người.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trung tâm đã nhanh chóng tổ chức sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh và hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh. 

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện việc rà soát chi trả đợt 2 cho các nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. 

Thái Bá