1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động nữ sẽ làm gì khi công nghiệp 4.0 “gõ cửa” từng nhà?

(Dân trí) - “Trong bối cảnh 4.0, lao động nữ gặp nhiều rào cản trong tuyển dụng, sự chi phối từ công việc gia đình. Ngoài ra, sự phát triển nhanh về khoa học, công nghệ của tác động 4.0 đòi hỏi lao động nữ cần có sự điều chỉnh kịp thời…”.

Lao động nữ sẽ làm gì khi công nghiệp 4.0 “gõ cửa” từng nhà? - 1

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định tại Diễn đàn “Nâng cao quyền năng của Phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên và Samsung Việt Nam cùng phối hợp tổ chức hôm 15/10 tại Hà Nội.

Nghiên cứu được công bố tại Hội thảo cho thấy, số lượng lao động nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động hiện đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động lớn nhất và chưa được đánh giá đầy đủ.

Ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá về cơ hội và thách thức của lao động nữ trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Đây cũng là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp. Một trong những hậu quả là không ít đóng góp của họ với xã hội chưa được công nhận tương xứng và thích đáng.

So sánh về cơ hội nắm bắt việc làm với nam giới, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, lao động nữ luôn có đủ trình độ, năng lực và sức khoẻ để làm các công việc của nam giới đang làm.

Tuy nhiên, lao động nữ muốn tăng cường sự hội nhập trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần chủ động vượt qua nhiều thách thức.

“Điều quan trọng nhất là lao động nữ cần xoá bỏ sự tự ti trong tiếp cận việc làm và tăng cường sự tự tin trong tiếp cận việc làm, chủ động nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm…Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật hoàn thiện cần chú trọng đảm bảo yếu tố bình đẳng giới, đặc biệt là vấn đề việc làm cho nữ giới” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Đồng quan điểm trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết: “Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm xứng đáng tới phụ nữ nói chung, lao động nữ nói riêng. Việc làm của lao động nữ cũng là một trong những trọng tâm hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam”.

Điều này thể hiện ở sự quan tâm đó thể hiện ở việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của lao động nữ tại nơi làm việc, hướng tới đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong bối cảnh tác động đa chiều của cuộc cách mạng 4.0, Công đoàn Việt Nam và tất cả các bên liên quan tiếp tục tìm tòi, đề xuất các giải pháp để trao và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và lao động nữ, thể hiện sự quyết tâm có những hành động kịp thời nhằm giúp lao động nữ sẵn sàng tâm thế, vượt qua mọi thách thức và rào cản của Cuộc cách mạng 4.0.

Cũng bàn về lao động nữ, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, lại có cách nhìn riêng về thách thức đối trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là việc biến thách thức thành cơ hội phát triển.

“Nếu chúng ta nhìn nhận thấu đáo và có một sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ, tôi tin rằng những thách thức đó sẽ được biến thành cơ hội, tạo bước ngoặt cho đối tượng lao động nữ khẳng định vị thế và vai trò của mình trong xã hội” - ông Choi Joo Ho cho biết.

Hoàng Mạnh