1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động nữ chiếm khoảng 30-35% lao động di cư

(Dân trí) - Từ ngày 24-25/10, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khu vực về bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài và ứng xử của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài.

Hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) tổ chức. 

 

Mục tiêu của hội thảo là thúc đẩy và hỗ trợ chia sẻ thông tin về các dịch vụ cung cấp việc làm ở nước ngoài có tính nhạy cảm giới, phù hợp với Thoả ước về ứng xử đạo đức và các điển hình tốt của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm hợp tác ở cấp quốc gia và khu vực.

 

Quanh cảnh hội thảo
Quanh cảnh hội thảo

 

Lao động nữ di cư chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số lao động di cư ở khu vực châu Á. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này với tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư.

 

Với đặc điểm khác biệt về giới nên phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như người giúp việc trong các gia đình, đòi hỏi phải được quan tâm đúng mức và được thể chế hoá trong luật pháp, chính sách cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan.

 

Ngoài ra, kiến thức của phụ nữ trong kiểm soát và sử dụng tiền tiết kiệm và ngoại hối như họ mong muốn và việc giải quyết các vấn đề gia đình liên quan khi họ đi lao động ở nước ngoài cũng là những vấn đề quan trọng.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng. Hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

 

Từ năm 2006, hàng năm có khoảng 70.000-80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, theo số liệu thống kê chính thức, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư.

 

“Phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài. Vì thế, hoạt động của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, thứ trưởng Hòa nói thêm.

 

Khánh Hồng