1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm gì để từ chối người vừa được chọn và tuyển lại ứng viên bị trượt?

(Dân trí) - Tôi đang gặp tình huống khó xử trong tuyển dụng. Theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp, tôi phải tìm cách từ chối ứng viên vừa trúng tuyển và sắp đi làm. Đồng thời, tôi phải “săn lại” ứng viên vừa bị đánh trượt và đã nhận lời đi làm ở nơi khác.


Nói lời từ chối ra sao với ứng viên vừa trúng tuyển? (Ảnh minh họa)

Nói lời từ chối ra sao với ứng viên vừa trúng tuyển? (Ảnh minh họa)

Tôi là trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng. Theo kế hoạch công việc, đầu tháng 6/2016 doanh nghiệp phải có thêm 1 nhân sự làm việc cho phòng kinh doanh.

Để chuẩn bị cho việc này, phòng nhân sự đã lên kế hoạch tuyển dụng. Sau nhiều vòng loại, tôi chọn được 2 ứng viên vào vòng “chung kết”. Anh Đức - ứng viên có trên 7 năm kinh nghiệm làm giao nhận vận tải. Ứng viên này có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp và đối tác trong ngành.

Tuy nhiên, chúng tôi hơi băn khoăn bởi mức lương khởi điểm do anh Đức đề ra khá cao: Từ 18- 20 triệu đồng/tháng.

Ứng viên thứ 2 - Anh Dũng - có 2 năm làm kinh doanh. Kiến thức về nghề của anh Dũng ở mức vừa phải, phù hợp với vị trí nhân viên kinh doanh. Đồng thời, anh Dũng khá nhiệt tình và chấp nhận mức lương khởi điểm chỉ 8 triệu đồng/tháng.

Tôi trình 2 phương án cho chủ doanh nghiệp. Sau khi xem xét, ông chủ chọn ứng viên thứ 2 bởi mức lương, khả năng phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp.

Nhận được chỉ thị trên, tôi thông báo với 2 ứng viên trên. Với ứng viên Dũng, tôi đã báo bằng văn bản về kết quả trúng tuyển và thời gian thử việc từ đầu tháng 6.

Những tưởng công việc tuyển người như thế tạm xong. Nhưng sau đó 5 ngày, chủ doanh nghiệp đột ngột chỉ đạo tôi thay đổi kết quả tuyển dụng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tuyển lại anh Đức - ứng viên có kinh nghiệm và từ chối với anh Dũng - ứng viên ít kinh nghiệm hơn.

Lý do của việc thay đổi này: Do một mối quan hệ riêng, ông chủ phát hiện anh Đức có người thân làm ở ngành hải quan. Nếu tuyển anh Đức vào thì sẽ thuận lợi hơn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. “Ngoài ra, Đức có kinh nghiệm chuyên môn sẽ đào tạo thêm cho những người trẻ trong phòng kinh doanh” - ông chủ chỉ đạo.

Nhưng chúng tôi đã báo với anh Dũng về quyết định trúng tuyển. Còn với anh Đức - người được chọn lại cũng cho biết đã nhận lời đi làm ở một doanh nghiệp khác.

Vậy tôi phải nói với anh Đức và anh Dũng ra sao đây?

Trọng Tình (Hồng Bàng, Hải Phòng)