DMagazine

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị "dạy dỗ" bằng nắm đấm

(Dân trí) - Ngăn chặn, chấm dứt bạo lực gia đình, đó là một câu chuyện dài và vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Tuy nhiên, con đường ấy đang được rút ngắn bằng nhiều cách...

Ngăn chặn và chấm dứt bạo lực gia đình, đó là một câu chuyện dài và vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Tuy nhiên, con đường ấy đang được rút ngắn bằng nhiều cách...

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 1

Ông Lê Xuân Đồng - Điều phối viên tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam chỉ rõ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình. Bao trùm lên tất cả nguyên nhân ấy vẫn là những định kiến về giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ và những yếu tố góp phần gia tăng là rượu chè, cờ bạc và đói nghèo.

"Chấm dứt bạo lực gia đình cần có sự thay đổi, từ chính người trong cuộc và từ chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Sau gần 3 năm triển khai dự án, đã có những thay đổi căn bản trong quan niệm, cũng như hành động của những người liên quan", ông Đồng đánh giá.

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 4

Ông Lê Xuân Đồng - Điều phối viên Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam.

Theo ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban quản lý dự án xã Quỳnh Lương, trong hơn 2 năm qua, mô hình đội phản ứng với cơ chế hợp tác đa ngành, đã đạt được kết quả tốt trong hỗ trợ người bị bạo lực giới và ngăn chặn các hành vi bạo lực.

"Trước hết, dự án đã thay đổi nhận thức của chính chúng tôi về bạo lực gia đình, thông qua đó phát huy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cũng như tăng cường sự phối, kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội khác trong việc ngăn chặn, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực.

Sự đa dạng trong hoạt động truyền thông và lồng ghép vào các chương trình trọng tâm của địa phương, đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân, của chính người trong cuộc về bạo lực giới.

Đã có 2 nạn nhân bạo lực mạnh dạn trình báo, tìm đến chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là điều chưa từng có trước đây", ông Tuấn cho hay. 

Sau 8 buổi điều trị tâm lý và được tư vấn, chị Phước - người phụ nữ bị bạo hành hơn 20 năm, hiện đang bị trầm cảm, đã mở lòng mình nhiều hơn. Theo hướng dẫn của đội phản ứng nhanh, chị trò chuyện với bố mẹ chồng về cuộc hôn nhân của mình và nhờ ông bà giúp đỡ.

Chị Phước cũng tìm đến người có uy tín trong dòng họ để nhờ khuyên ngăn chồng. Chị cũng biết nhìn nét mặt của chồng để tìm đường "thoát thân", trước khi cơn thịnh nộ của chồng "chuyển hóa" thành nắm đấm.

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 5

Và lần đầu tiên sau 20 năm, chị đã dám nói chuyện thẳng thắn với chồng về tình trạng hôn nhân của cả hai, về căn bệnh trầm cảm mình đang gặp phải và đề cập đến chuyện ly thân. Sau lần "vùng lên" ấy, chồng chị dường như đã biết sợ hơn.

Lần đầu tiên trong đời, chị nhận được tin nhắn thông báo về muộn và dặn "mẹ con ăn cơm trước rồi ngủ đi". Lần đầu tiên trong đời, chồng chị, trên chặng đường dài của một tài xế xe khách đã gọi điện nhắc vợ uống thuốc.

"Nghe chị Phước gọi điện khoe, tôi mừng lắm. Để chấm dứt bạo lực gia đình, tôi nghĩ là rất khó khi những tư tưởng cũ kỹ, lỗi thời đã ăn sâu, bén rễ trong tiềm thức của cả người bị bạo hành và người bạo hành, nhưng ít nhất đã có những thay đổi, từ chính người trong cuộc", bà Bùi Thị Thoa - thành viên đội phản ứng nhanh, nói.

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 7
Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 9

Theo ông Lê Xuân Đồng, bạo lực giới trong gia đình thường nảy sinh khi những mối quan hệ mất cân bằng về mặt quyền lực, ở đó người chồng thường được trao những đặc quyền để duy trì và kiểm soát gia đình, còn người phụ nữ thường phụ thuộc vào chồng cả về tư tưởng lẫn kinh tế.

"Nhiều phụ nữ bị bạo lực không dám lên tiếng, không dám rời khỏi mối quan hệ bạo lực, bởi họ thiếu những nguồn lực phát triển bản thân, thiếu sự tự tin sau nhiều năm sống trong sự kiểm soát và phụ thuộc đó.

Nâng cao năng lực kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng để giúp người bị bạo lực tự tin vào bản thân và tăng cường tiếng nói trong gia đình và xã hội, nhờ đó góp phần giúp họ phá vỡ sự im lặng khi bị bạo lực, để làm chủ cuộc sống của mình", ông Đồng cho hay.

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 11

Một thực tế là có tới 80% thành viên trong Câu lạc bộ Sức sống mới thuộc diện hộ nghèo. Bởi vậy, bên cạnh việc được tăng cường nhận thức về bản thân để kiểm soát sang chấn do bạo lực gây ra, được tăng hiểu biết về luật pháp về bình đẳng giới và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, 100% thành viên được dự án cung cấp gói hỗ trợ sáng kiến phát triển kinh tế, cũng như cung cấp kiến thức để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ. 

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu, đến nay đã có 30 người bị bạo lực được Dự án của Hagar Việt Nam duyệt hỗ trợ sinh kế. Cụ thể, có 29 hộ gia đình được hỗ trợ vật nuôi và một hộ gia đình được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc kinh doanh.

Cùng với những thay đổi tích cực về tình trạng bạo lực, điều kiện kinh tế của các thành viên đều đã được cải thiện khi có thêm nguồn thu nhập để lo cho bản thân, con cái cũng như gia đình.

Kỳ 4: Ngày bước ra từ địa ngục của người phụ nữ bị dạy dỗ bằng nắm đấm - 13

Sau khi dám "bứt" ra khỏi người chồng bạc tình, vũ phu, chị Minh đã mạnh dạn nhờ công an, hội phụ nữ hỗ trợ, giúp đỡ. Ngoài hỗ trợ về kinh tế của bạn bè, chị cũng được Hagar hỗ trợ một con hươu. Hiện, người phụ nữ này tham gia kinh doanh online và chăm sóc hươu để có thể tự chủ được kinh tế, giúp bản thân và chữa bệnh.

"Con hươu khỏe mạnh, đã cho 2 lần cắt nhung rồi đấy. Hai lần cắt nhung bán được 8 triệu, càng về sau thì nhung càng to, càng nặng, bán được nhiều giá hơn", chị Minh khoe và đã bắt đầu tự tin hơn với cuộc sống mới của mình. 

Cũng giống như chị Minh, vợ chồng chị Lụa, anh Phong được hỗ trợ một con bò đẻ. Sau gần 2 năm chăm sóc, hiện con bò đang mang thai, chuẩn bị sinh. Anh Phong đã tính đến chuyện khi con bê lớn lên sẽ bán đi, thêm vào khoản tiền các con gửi về để lắp răng giả cho chị Lụa, như một cách bù đắp những tổn thương đã gây ra cho vợ trong suốt những năm qua. 

                                               Nội dung: Hoàng Lam

                                               Thiết kế: Thủy Tiên