1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Không dễ tìm giải pháp quản lý nghề gây nuôi chim yến ở Bạc Liêu

(Dân trí) - Nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến thời gian qua ở tỉnh Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đang đối mặt hiện nay là nghề này phát triển đến “chóng mặt” với nhiều bất cập.

Một hội thảo về “phát triển bền vững nghề dẫn dụ gây nuôi chim yến” vừa diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, nhiều đại biểu đến từ ngành Nông nghiệp, Khoa học công nghệ, lãnh đạo tỉnh, cũng như người dân đều khẳng định, đây là một nghề có tiềm năng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ước tính của ngành chức năng, sản lượng tổ yến của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 68 tấn, thị trường tiêu thụ tổ yến được các doanh nghiệp lớn xuất khẩu chính ngạch và xách tay sang Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và tiêu thụ trong nước… với mức giá từ 1.500 - 2.000USD/1kg.

Nghề này đang phát triển với tốc độ “chóng mặt” với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Chính vì vậy, theo nhiều đại biểu, việc quản lý và phát triển bền vững nghề gây nuôi chim yến là điều hết sức cần thiết.

Không dễ tìm giải pháp quản lý nghề gây nuôi chim yến ở Bạc Liêu - 1

Một nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu được xem là một trong những địa phương có nhà nuôi yến nhiều nhất trong cả nước, với trên 1.000 nhà, ước khoảng 452.000 con.

Trong đó, có 684 nhà yến có thu hoạch, có nhà yến thu hoạch rất cao trên 15kg/tháng. Ước đến cuối năm 2019, sản lượng yến toàn tỉnh có thể đạt 1.000kg/tháng, góp phần đáng kể cho giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận do nghề nuôi yến thời gian qua phát triển quá nhanh nên đã có những bất cập, nhất là trong khu vực dân cư, khu nội thị.

Theo đó, chim yến là động vật hoang dã, việc dẫn dụ và gây nuôi mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Do vậy, việc kiểm soát an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an toàn cho con người còn chưa được đảm bảo.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, qua thống kê hiện đã có 42 tỉnh, thành có nuôi chim yến với tổng số 8.548 nhà yến, ước tính số lượng hơn 9,9 triệu con.

Những địa phương có nhiều nhà yến nhất là Bạc Liêu (hơn 1.000), Kiên Giang (925), TPHCM (595), Tây Ninh (595), Bình Định (540), Phú Yên (530), Bình Thuận (515),…

Trong khi đó, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dạng thô nên giá trị chưa cao.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, thời gian qua, người dân ở tỉnh Bạc Liêu cũng đã có nhiều phản ánh về tình trạng nuôi chim yến tràn làn trên địa bàn tỉnh này, đặc biệt ở các khu dân cư.

Trong đó, có 2 vấn đề mà người dân “nhức nhối” nhất là ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ các loa dẫn dụ và từ phân chim yến.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, đánh giá tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn.

Trong đó, tỉnh Bạc Liêu có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Luật sư Hậu, chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định tạm thời tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện.

Không dễ tìm giải pháp quản lý nghề gây nuôi chim yến ở Bạc Liêu - 2

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã có những phân tích sát sao về tình hình gây nuôi chim yến hiện nay.

Để nghề gây nuôi chim yến phát triển bền vững, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Bên cạnh đó, cần quy định về mức xử phạt cụ thể đối với việc phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.

Luật sư Hậu cũng lưu ý tới việc tìm thị trường, cần tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật trong việc ký kết các hợp đồng hợp tác giữa hộ gia đình nuôi chim yến với các đơn vị thu mua, tránh những rủi ro xảy ra không đáng có, gây thiệt hại cho hai bên.

Huỳnh Hải