Khi bảo hiểm 'ăn theo' lương

Làm sao để việc tăng lương được thực chất là vấn đề đang được đặt ra, nhất là gắn với chính sách BHXH cũng như nâng tuổi nghỉ hưu. Trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, giải quyết căn bản vấn đề tiền lương sẽ giải quyết được vấn đề BHXH, vì bảo hiểm ăn theo tiền lương. Nếu tiền lương không giải quyết được sẽ không thể giải quyết được những cái khác.

PGS.TS Vũ Quang Thọ.
PGS.TS Vũ Quang Thọ.

PV: Thưa ông để Đề án Cải cách tiền lương đạt được hiệu quả theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tăng lương đem lại hy vọng rất lớn cho những người đang hưởng lương, đặc biệt là những người đang sống nhờ duy nhất vào tiền lương. Cho nên họ mong muốn có thể cải cách tiền lương lần này sẽ cho họ mức thu nhập khả dĩ có thể tự nuôi sống bản thân mình. Còn chức năng của lương là nuôi sống bản thân, người thân, gia đình, và những thế hệ tiếp theo nữa. Thế hệ tiếp theo đối với chúng ta trong điều kiện còn đang nghèo khó cho nên quy định mỗi công nhân lao động chỉ nuôi được một người là kịch rồi, một đứa con ăn theo bằng 70% tiền lương. Người lao động đang hy vọng như vậy nhưng nếu không làm được điều đó thì cải cách tiền lương không đạt được yêu cầu.

Không chỉ là cải cách tiền lương mà hiện Trung ương cũng đang bàn về Đề án Cải cách chính sách BHXH, trong đó có việc nâng tuổi nghỉ hưu. Hai vấn đề trên đều liên quan trực tiếp đến lương để đảm bảo cuộc sống vậy theo ông làm sao để các đề án đảm bảo được tính hài hòa?

- Theo quan điểm cá nhân tôi hiện chưa nên bàn đến nâng tuổi nghỉ hưu, mà tuổi lao động vẫn nên quy định như hiện nay là 55 tuổi đối với nữ, và 60 tuổi đối với nam. Cố gắng làm sao tiền lương của họ được bảo đảm cuộc sống, họ sống được bằng lương trước đã, và họ tự hào về mức lương của họ chứ không thể chân trong chân ngoài, họ làm ngoài nhiều hơn làm trong để nuôi sống cuộc sống của họ.

Qua khảo sát người lao động vậy ông có thể cho biết mức lương hiện nay của họ đáp ứng bao nhiêu phần trăm của cuộc sống và họ mong muốn gì ở việc cải cách tiền lương lần này?

- Mức lương của người lao động trước chính sách cải tiến đổi mới về tiền lương thì nói chung hiện nay đang là thấp, họ rất khó khăn trong việc sống bằng lương.

Lương đã thấp nhưng hiện người lao động vẫn phải đóng BHXH vậy làm sao tăng lương nhưng phải hài hòa cũng như làm sao để tăng năng suất lao động hiện nay?

- Năng suất lao động là một lĩnh vực sử dụng con người trong quá trình làm việc. Chính sách BHXH là chính sách giải quyết cho con người trong, và sau khi kết thúc quá trình quan hệ lao động rồi. Hiện nay vẫn đang có ý kiến cho rằng quỹ BHXH của chúng ta sẽ không còn khả năng chi trả sau năm 2025 nếu chúng ta vẫn tiếp tục như thế này. Nhưng có lẽ giải quyết căn bản vấn đề tiền lương thì đồng thời cũng phải giải quyết vấn đề bảo hiểm vì bảo hiểm ăn theo tiền lương, vì bao nhiêu phần trăm đóng đều tính dựa trên tiền lương. Do đó vấn đề cơ bản nhất phải giải quyết được đó là vấn đề tiền lương. Nếu tiền lương không giải quyết được sẽ không thể giải quyết được những cái khác.

Vấn đề cải cách tiền lương đã được bàn từ rất lâu rồi nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Theo ông nguyên nhân do đâu? Có phải không có nguồn để tăng lương như nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nên dẫn đến việc chưa tăng lương trong thời gian qua?

- Nhiều người cho rằng chúng ta không có nguồn để tăng lương nhưng đến nay chúng ta có tăng trưởng đủ bảo đảm để trả lương. Thứ hai có nguồn dự trữ, tích lũy được để có thể bảo đảm được mức lương khả dĩ để người ta có thể sống được bằng lương. Bây giờ theo tôi đồng thời với việc tăng lương cần cải cách ngay bộ máy hành chính, giảm bớt người ăn theo, giảm bớt nhân sự thừa.

Chúng ta phải làm được như vậy mới có thể bảo đảm được mức lương của mỗi công chức, viên chức đủ bảo đảm được đời sống của họ. Nếu bộ máy quá lớn như bây giờ, trả nhỏ giọt người ta cũng không đủ sống. Lúc đó cũng không thể đảm bảo được quỹ để có thể duy trì đời sống về lâu dài. Do vậy đồng thời với cải cách tiền lương cần quyết liệt tinh giản bộ máy hành chính mới có thể có quỹ dư thừa ra để có thể làm cho mức lương của mỗi con người đủ cho họ giải quyết nhu cầu cuộc sống của họ.

Điểm mới của Đề án Cải cách tiền lương lần này chính là trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ. Vậy làm sao để quy định này mang tính khả thi vì xác định vị trí việc làm rất là khó và mất nhiều thời gian?

- Trả lương theo vị trí việc làm là chủ trương đúng. Vấn đề đặt ra là vị trí việc làm ai là người xác định nó? Và xác định theo quy trình như thế nào? Đó mới là cái quan trọng. Còn chủ trương trả lương theo vị trí việc làm là đúng, đó là cách để có thể vừa tinh giản biên chế, và đồng thời bảo đảm cho tiền lương của mỗi người nhận được là xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Riêng với vấn đề tăng lương hiện đang xuất hiện 2 luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng phải tăng năng suất lao động rồi mới tăng lương. Còn ý kiến thứ hai cho rằng cần tăng lương để tăng năng suất lao động. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Tôi thiên về ý kiến thứ 2. Vì hiện nay tiền lương của chúng ta quá thấp, theo tính toán của Viện Công nhân công đoàn, tiền lương của công nhân lao động hiện nay vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của con người khoảng 11% nữa. Nếu không giải quyết được cái này thì không thể giải quyết được năng suất lao động. Đừng yêu cầu người ta tăng năng suất lao động, cải tiến, trung thành khi tiền lương trả cho họ không đủ để bảo đảm cuộc sống người ta. Đó chính là nguyên lý bất di bất dịch từ trước đến nay.

Ở các nước người lao động không phải đi làm thêm mà sống nhờ vào lương. Còn ở ta khi chưa đủ sống nên công chức phải làm việc nọ, việc kia và từ đó dẫn đến tiêu cực. Muốn cải thiện nền hành chính thì tăng lương là một trong những giải pháp, thưa ông?

- Ở các nước công chức không đi làm thêm mà sống bằng lương. Nếu trả lương đúng để bảo đảm cuộc sống thì họ không nghĩ đến việc khác nữa, toàn tâm toàn ý làm việc. Tức là họ toàn tâm, toàn ý dâng hiến cả sức lực và trí tuệ của họ cho công việc. Khi tiền lương không đủ thì không thể yêu cầu người ta làm được như thế. Cho nên ta phải có quyết tâm chính trị cao để tăng lương.

Thưa ông, ở góc độ bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động. vậy ông có thể cho biết hiện người lao động đang mong mỏi gì từ việc tăng lương?

- Họ mong mỏi tăng lương thì phải giữ được giá trị thực của đồng tiền, phải bảo đảm giá trị thực của tiền lương tăng thêm chứ không thể tăng 1% về lương danh nghĩa nhưng chỉ số giá lại tăng lớn hơn 1%. Như vậy có nghĩa họ không được mà còn mất đi. Họ mong muốn như vậy.

Sau rất nhiều lần lùi, lần này Trung ương lại bàn đến và theo ông thời điểm này tăng lương đã là chín muồi, thưa ông?

- Chúng ta giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã được gần nửa thế kỷ. Thứ hai nền kinh tế đã có tăng trưởng và tích lũy rồi. Thứ ba là những người lao động hiện nay làm quần quật như thế để mong cuộc sống của họ, và cuộc sống gia đình của con họ khá hơn nhưng đến nay hình như không phải như vậy. Cho nên tăng lương là mong muốn cháy bỏng của người lao động, để cuộc sống của người lao động được đảm bảo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Đại đoàn kết