1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hướng dẫn viên du lịch từ vi vu máy bay “rớt” xuống chạy grab giữa "bão" Covid-19

Hơn 2 tháng không có tour; khách liên tục hủy chuyến, kéo theo những ngày dài nghỉ việc không lương, không trợ cấp đã khiến những người làm hướng dẫn viên du lịch lao đao.

 
Nguyễn Việt Hoàng (26 tuổi - Hà Nội) là hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội. Hoàng làm việc cho các đơn vị lữ hành chuyên đảm nhiệm tour du lịch cho khách Hàn Quốc, thường dẫn tour tới các điểm du lịch miền Bắc, trong đó chủ yếu là Hạ Long; Sapa; Ninh Bình.

Với hơn 6 năm kinh nghiệm trong nghề, chàng trai này từng trải qua một số giai đoạn khó khăn của ngành du dịch cũng như những khủng hoảng riêng của nghề hướng dẫn viên.

Nhưng theo Việt Hoàng, tất cả những gì đã xảy ra đều không “đáng sợ” bằng khoảng thời gian này – khoảng thời gian mà Hoàng và đồng nghiệp gần như mất việc vì Covid-19.

Từ lang thang du lịch khắp nơi đến lang thang đi… tìm việc

Cuối năm 2019, thời điểm trước Tết Nguyên Đán Việt Hoàng là một trong những hướng dẫn viên “đắt” tour nhất trong số những người dẫn tour khách Hàn Quốc.

Khi Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách Hàn Quốc, số lượng đoàn khách liên tục tăng dần và lấp đầy thời gian trong một tháng. Thậm chí vào những tháng cao điểm như tháng 8; tháng 9, những hướng dẫn viên du lịch như Hoàng gần như không có thời gian ở nhà mà chỉ tất bật “nay đây mai đó” khắp nơi cùng du khách.

Theo Việt Hoàng, mỗi khách Hàn Quốc thường phải chi khoảng 4,5 – 6 triệu đồng cho một tour du lịch 5 ngày 4 đêm. Trong đó, các điểm đến được lựa chọn nhiều nhất là Hà Nội – Ninh Bình – Hạ Long – Sapa.

Khách Hàn Quốc thường đi theo đoàn đông người và khá hào phóng trong việc chi tiền tips (tiền hoa hồng) cho hướng dẫn viên. Việt Hoàng dẫn những tour từ 15 – 20 người/đoàn, sau đó ăn chia % với đơn vị lữ hành; chiết khấu từ các dịch vụ như nhà hàng; khách sạn; tàu bè… và đôi khi nhận thêm một phần tiền thưởng của du khách.

Trước đây, nếu khách đông và đều tour, thu nhập của một hướng dẫn viên có thể giúp Hoàng dư dả chi tiêu trong cuộc sống và lo cho gia đình. Nhưng mọi nguồn thu gần như mất trắng, biến Hoàng trở thành một thanh niên thất nghiệp từ khi dịch Covid-19 bùng nổ.

Nửa cuối tháng 1/2020, Việt Hoàng bắt đầu nhận những thông báo hủy chuyến đầu tiên từ các công ty du lịch. Khách du lịch Châu Á lo sợ sự lây nhiễm khủng khiếp của Covid-19 đã lần lượt hủy chuyến, từ 15 tour được lên lịch trình trước đó chỉ còn khoảng 8 – 10 tour và dần dần là không còn tour nào.

Đã hơn 2 tháng trôi qua, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, nhất là khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn của thế giới. Hoàng chật vật với cuộc sống không thu nhập, số tiền tiết kiệm đã chi tiêu gần hết và không biết khi nào sẽ có tour để trở lại công việc.

“Mình ở nhà tới tháng thứ 2, bắt đầu thấy tâm trạng căng thẳng. Trước kia cả tháng bay nhảy khắp nơi giờ chỉ loanh quanh ở nhà đã thấy mất năng lượng, chưa nói tới việc không có thu nhập", Việt Hoàng chia sẻ.

Mọi chi tiêu trong khoảng thời gian này đều phải cắt giảm. Cụ thể, Hoàng phải chuyển hẳn về nhà ở cùng bố mẹ ở ngoại thành Hà Nội để tiết kiệm chi phí sinh hoạt; nhà ở; ăn uống hàng tháng.

Anh đi khắp nơi tìm công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập. Tranh thủ làm shipper (người giao hàng) kết hợp đi thi bằng lái xe để làm nghề lái taxi công nghệ. “Công việc này không đem lại thu nhập tốt như trước nhưng tôi có thể chủ động làm việc mỗi ngày. Khi mọi thứ ổn định hơn, tôi sẽ trở lại làm hướng dẫn viên", Việt Hoàng chia sẻ.

Khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng quyết không bỏ nghề

Những ngày hiện tại, Việt Hoàng phải thay đổi toàn bộ thói quen chi tiêu và sinh hoạt để tạm thời thích nghi với công việc mới. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi ngay cả lúc đã làm taxi công nghệ, chàng trai trẻ cũng phải lao đao vì… vắng khách.

“Ngày mình kiếm được khoảng 200.000 đồng, có ngày không được đồng nào. Nhưng trong giai đoạn khó khăn chung, ngành nào cũng khó, làm việc gì cũng gian nan nên mình vui vẻ chấp nhận, ít ra cũng không thất nghiệp", Việt Hoàng chia sẻ.

Nhiều ngày nay, phía đơn vị lữ hành chưa có thông tin về kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo, không chỉ Hoàng mà phần lớn các bạn hướng dẫn viên như Hoàng đều sống trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng về tương lai.

Hơn cả một công việc đem lại thu nhập ổn định, nghề hướng dẫn viên còn là đam mê từ nhỏ của Việt Hoàng. Khi được hỏi đã từng nghĩ về chuyện bỏ nghề chưa, chàng trai trẻ dứt khoát trả lời: “Chưa, mình vẫn sẽ theo nghề đến cùng, mình tin mọi thứ sẽ nhanh chóng trở về đúng quỹ đạo của nó".

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế xã hội Việt Nam, trong đó du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, kéo theo hàng loạt hướng dẫn viên rơi vào cảnh thất nghiệp.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kết hợp với nhiều doanh nghiệp du lich, dịch vụ trên cả nước nỗ lực tìm cách khắc phục khó khăn trong gia đoạn này. Các liên minh kích cầu du lịch được thành lập với hy vọng sớm khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam trong thời gian tới, đây cũng là cơ hội để các bạn hướng dẫn viên được trở lại công việc yêu thích của mình.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu

Theo Thanh Thuý/Danviet.vn