1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàng trăm bưu tá ở Nghệ An: Không được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm

Mặc dù thực hiện công việc trên 12 tháng liên tục trong nhiều năm, nhưng nhiều nhân viên bưu tá ở Nghệ An không được ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) đúng quy định, không được hưởng các chế độ bảo hiểm (BH).

Hàng trăm bưu tá ở Nghệ An: Không được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm - 1

Vất vả, thiệt thòi

Chị Nguyễn Thị Th - bưu tá của Bưu điện tỉnh Nghệ An - công tác trên địa bàn TP.Vinh, phụ trách 1/2 địa bàn một phường, bắt đầu làm việc từ năm 2009. Từ 6h sáng, chị đã có mặt ở Bưu điện Trung tâm nhận các thư, bưu phẩm để chuyển đến các địa chỉ, hoặc đến các cơ quan, đơn vị nhận thư, bưu phẩm để chuyển đi theo yêu cầu. Công việc kéo dài đến 18h. Chị không được nghỉ thứ bảy, chủ nhật mà làm việc liên tục, ngày nắng cũng như ngày mưa, đông cũng như hè.

Nếu có việc đột xuất, cần kíp thì chỉ xin nghỉ được tối đa 2 ngày, nhờ chị em trong tổ làm giúp. Công việc vất vả như vậy nhưng lương cứng chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng, xăng xe 600.000 đồng, điện thoại 80.000 đồng và phụ thu từ bưu gửi khoảng 2 triệu/tháng. Chị còn nhớ là lương của chị từ đầu đã “ổn định” với mức 1,6 triệu, 1-2 năm gần đây mới tăng lên mức 1,8 triệu đồng.

Theo chị Th, HĐLĐ giữa chị và Bưu điện tỉnh ký lại hằng năm, ngoài các khoản thu nhập trên, chị không được Cty nộp BHXH, BHYT, BHTN cũng như không được hưởng chế độ thai sản. Làm liên tục suốt tháng nhưng chỉ được chấm tối đa 26 công, không được trả tiền làm thêm giờ. Từ đầu năm đến nay, chị mới được hỗ trợ 152.000đ/tháng để đóng BHXH. Đóng ở mức tối thiểu là 430.000đ/tháng, như vậy chị hằng tháng còn phải bỏ ra gần 300.000đ để đóng BHXH. Vào dịp tết, trong khi nhân viên trong biên chế được thưởng vài chục triệu/người, thì bưu tá chỉ được 200.000đ. “Bọn em chỉ biết đi làm, nói thật là luật không biết, nên được sao thì hưởng vậy, không biết kêu ca hay đấu tranh như thế nào” - chị Th thật thà.

Doanh nghiệp làm đúng luật?

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó phòng Tổ chức - Hành chính Bưu điện tỉnh Nghệ An - cho biết, những phản ánh trên là đúng sự thực. Hiện nay toàn tỉnh có 400 nhân viên bưu tá. Từ trước đến nay, nhân viên bưu tá thực hiện theo HĐ thuê khoán, nên không có các chế độ bảo hiểm. Từ đầu năm 2015 đến nay, TCty có chính sách hỗ trợ bưu tá 50% tiền đóng BHXH theo mức lương tối thiểu, để người LĐ gắn bó hơn với công việc.

Mặt khác, từ năm 2014, Nhà nước cắt gói hỗ trợ hoạt động công ích 330 tỉ/năm đối với ngành bưu điện, nên nguồn thu gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi trao đổi là theo quy định của Luật LĐ, đối với những công việc thường xuyên trên 12 tháng thì phải giao kết HĐLĐ (xác định thời hạn và không xác định thời hạn). Việc Cty ký HĐ theo vụ việc (thuê khoán) đối với những bưu tá làm việc thường xuyên và ký lại hằng năm có biểu hiện vi phạm Luật LĐ.

Ông Nguyễn Văn Hà trả lời đây là quy định chung của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặt khác, Bưu điện Nghệ An cũng không thể thực hiện bởi phụ thuộc vào chỉ tiêu nhân sự của TCty giao. Ông Hà cũng cho biết là mặc dù đã được hỗ trợ tiền, lập danh sách nộp chung bảo hiểm với Cty, nhưng một số bưu tá vẫn không tham gia.

Bà Hoàng Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Nghệ An - nói: “Đã có một vài trường hợp bưu tá đến thắc mắc về chế độ chính sách, tôi trả lời cần căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc, nội dung HĐ để xác định. Nếu công việc thường xuyên, liên tục, khối lượng đủ thời gian làm việc 8 tiếng/ngày liên tục, thì hai bên phải giao kết HĐLĐ và người LĐ được hưởng các chế độ theo quy định”.

Khoản 3, Điều 22, Luật LĐ 2012 nêu: “Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên”. Việc ký HĐ hằng năm quá 2 lần cũng là trái quy định. Như vậy, đối với những nhân viên bưu tá trên địa bàn thường xuyên có khối lượng công việc bảo đảm từ 48 giờ/tuần đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi do không được doanh nghiệp giao kết HĐ theo đúng quy định của pháp luật LĐ.

Theo Báo Lao Động