Hà Nội: Nhiều đề xuất nhằm đẩy nhanh việc chi trả gói 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Tiến độ giải ngân và chi trả gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Hà Nội có nhiều kết quả khả quan. UBND Thành phố cũng đề xuất nhiều kiến nghị nhằm sớm giải quyết các vướng mắc phát sinh trong triển khai.

Người dân quận Hà Đông (Hà Nội) tiếp nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. (Clip: Toàn Vũ)

Đẩy nhanh tiến độ chi trả

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội,  tới tuần đầu tháng 6/2020, kết quả triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Hà Nội có nhiều tín hiệu khả quan.

Đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ của 94 doanh nghiệp với 1.881 lao động, ban hành quyết định chi trả cho 4 doanh nghiệp với 50 lao động, kinh phí chi trả là 90 triệu đồng.

Trong đó có 3 quận đã thực hiện hỗ trợ là Đống Đa, Long Biên và Cầu Giấy.

Cũng theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, với nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, các quận, huyện đã tiếp nhận và đang xét duyệt 153 hồ sơ.

Hà Nội: Nhiều đề xuất nhằm đẩy nhanh việc chi trả gói 62.000 tỷ đồng - 1
Người dân quận Hà Đông tiếp nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng

Thanh phố đã tiếp nhận và xét duyệt 82.504 hồ sơ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do). Trên cơ sở đó, Thành phố đã ra quyết định chi trả 915 trường hợp, đã chi trả 333 trường hợp với kinh phí 333 triệu đồng.

Trong đó, quận Hà Đông đã phê duyệt quyết định chi trả cho 325 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020: Thành phố đã tiếp nhận và xét duyệt 2.472 hồ sơ; đã chi trả cho 27 hộ kinh doanh với số tiền 27 triệu đồng.

Đề xuất nhằm đẩy nhanh việc chi trả gói 62.000 tỷ đồng

Các huyện đã thực hiện chi trả là Mê Linh, Mỹ Đức và Thanh Trì. Ngày 5/6/2020, quận Hà Đông sẽ tổ chức chi trả hỗ trợ cho 4 hộ kinh doanh cá thể.

Ngoài việc thực hiện chính sách cho các đối tượng đã được quy định, một số quận, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho cho các giáo viên ngoài công lập trên địa bàn để ổn định cuộc sống.

Đơn cử như huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 432 giáo viên ngoài công lập, mỗi người 500.000đ/tháng với 3 tháng, tổng kinh phí hỗ trợ là 648 triệu đồng.

Nhiều đề xuất, kiến nghị

Theo báo cáo của UBND thành phố, việc phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ các đối tượng đủ điều kiện, UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã căn cứ kết quả thẩm định thực hiện phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

Hà Nội: Nhiều đề xuất nhằm đẩy nhanh việc chi trả gói 62.000 tỷ đồng - 2

Người lao động quận Hà Đông (Hà Nội) tới nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 480/QĐ-LĐTBXH, thẩm quyền phê phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh với thời gian tối đa là 3 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ do UBND cấp huyện thẩm định và trình phê duyệt.

Trên cơ sở đó, đại diện UBND thành phố đề xuất cho phép xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo hướng giao Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, liên quan tới quy định về thời hạn chậm nhất gửi hồ sơ để giải quyết chế độ hỗ trợ. Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 480/QĐ-LĐTBXH hiện không quy định thời hạn cuối cùng doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ để giải quyết chế độ.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, người dân chậm trễ trong việc gửi hồ sơ đến các cơ quan để giải quyết, thậm chí có thể kéo trong một thời gian dài, không phù hợp.

Trên cơ sở đó, UBND Hà Nội đề xuất cho phép quy định thời gian gửi hồ sơ chậm nhất để giải quyết chế độ theo như Quyết định 1955/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

Về quy định thời gian thực hiện của cấp xã đối với thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Khoản 2, Điều 6 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và mục 3, Phần II thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 480/QĐ-LĐTBXH về trình tự, thủ tục quy định “UBND cấp xã rà soát và xác nhận mức thu nhập, tổng hợp danh sách trình UBND cấp huyện” không quy định thời gian giải quyết TTHC.

Theo UBND TP Hà Nội, quy trình này có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ trong thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Để đảm bảo nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ cho người lao động mất việc làm ổn định cuộc sống theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Đề nghị cho phép Quyết định số 1955/QĐ-UBND quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính cấp xã (5 ngày làm việc) là cần thiết.

Phan Minh