1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Đào tạo nghề phi nông nghiệp chỉ chiếm 37 %

Phạm Công

(Dân trí) - Theo HĐND thành phố Hà Nội, công tác đào tạo nghề còn nhiều vướng mắc trong triển khai. Do đó, kết quả đào tạo nghề phi nông nghiệp chỉ chiếm 37 %.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả giám sát về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 - 2020.

Báo cáo của Hội đồng nhân dân cho thấy, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp cho 76.203/100.737 lao động đăng ký đào tạo. Tổng kinh phí cho công tác đào tạo nghề từ năm 2016 đến nay là hơn 236 tỷ đồng.

Đánh giá chung cho thấy, dù chưa đạt được hiệu quả đề ra, nhưng kết quả đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch lao động theo hướng tích cực, từng bước giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp.

Hà Nội: Đào tạo nghề phi nông nghiệp chỉ chiếm 37 % - 1

Đồng thời, kết quả đào tạo cũng tăng tỉ lệ lao động dịch vụ, công nghiệp, thu hút được nguồn lực của xã hội, các doanh nghiệp, giải quyết được một phần vệc làm cho người lao động.

Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh chính trị tại các địa phương được ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy thực tế, qua 4 năm triển khai, tỉ lệ lao động tham gia đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ đạt tỉ lệ thấp với 28.581 người (chiếm 37,86%).

Còn lại, số lao động tham gia đào tạo nghề nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ cao là 47.352 người (chiếm 62,14%).

Sau khi đào tạo nghề chủ yếu là người lao động tự tạo việc làm chiếm (77,64%).

Trên thực tế, số lượng lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chiếm không quá 11%, số lao động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm dưới 1%.  

Báo cáo của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, nguyên nhân chủ quan do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa sâu sát. Việc tuyên truyền, phổ biến đến người dân về chính sách đào tạo nghề chưa đạt hiệu quả.

Một số bộ phận người lao động đi học nghề với mục đích “hưởng” chế độ chính sách nên chưa nhận thức được lợi ích lâu dài của việc học nghề đem lại.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo sơ cấp đối với một số nghề phi nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Do địa điểm đào tạo nghề phần lớn được tổ chức tại các thôn, xã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.

Việc đăng ký học nghề của người lao động còn mang tính chất phong trào, bản thân người lao động chưa thật sự có trách nhiệm khi tham gia học nghề, người lao động học nghề ở các lứa tuổi khác nhau khiến cho việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng theo chương trình đào tạo còn khó khăn...