Gia Lai thẳng tay xử lao động TQ trái phép: Khe hở là..

"Rất nhiều lao động là người Trung Quốc đã được cấp Visa vào Việt Nam để lao động trong khi chưa làm thủ tục cấp phép lao động".

Công ty Trung Quốc đã nộp phạt 60 triệu đồng

Công ty Trung Quốc đã nộp phạt 60 triệu đồng
Công ty Trung Quốc đã nộp phạt 60 triệu đồng

Trả lời báo Đất Việt, ngày 23/3 bằng văn bản, về sự việc, UBND tỉnh Gia Lai vừa quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với Công ty hữu hạn Xây lắp số 1 - Tập đoàn Xây dựng công trình Quảng Tây (Trung Quốc) vì vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép, bà Trần Thị Hoài Thanh - Giám đốc Sở LĐTB&XH Gia Lai cho biết cụ thể:

"Công ty TNHH MTV nhiệt điện Gia Lai ký kết 02 hợp đồng số 03/2014/HĐ/GTC-QT và số 04/2014/HĐ/GTC-QT ngày 7/3/2014 triển khai lắp đặt hệ thống lò hơi đốt bã và hệ thống turbine – Máy phát điện với nhà thầu Trung Quốc là Công ty Hữu hạn xây lắp số 1 - Tập đoàn xây dựng công trình Quảng Tây – Trung Quốc để nâng cấp công suất Nhà máy đường Ayunpa từ 3200 tấn mía cây/ngày lên 6000 tấn mía cây/ngày theo hình thức trọn gói từ khảo sát, thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho đến khi bàn giao đưa vào sử dụng.

Dự kiến khi thực hiện dự án nhà thầu Trung Quốc sẽ tuyển 180 người lao động nước ngoài vào làm việc.

Ngày 02/7/2014 Công ty Hữu hạn xây lắp số 1 - Tập đoàn xây dựng công trình Quảng Tây – Trung Quốc đã đưa 22 lao động người Trung Quốc đến cư trú tại 444 Trần Hưng Đạo, phường Cheo Reo, thị xã AyunPa để thực hiện việc chỉ đạo tập kết thiết bị và đã triển khai thực hiện lắp đặt một số thiết bị của lò hơi tại Nhà máy nhiệt điện bã mía Gia Lai trong khi chưa có ý kiến chấp thuận sử dụng người nước ngoài của UBND tỉnh Gia Lai và chưa được Sở LĐTBXH cấp phép lao động là vi phạm Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ngày 29/7/2014 Sở LĐTBXH đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND thị xã Ayun pa thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất việc sử dụng lao động nước ngoài tại Nhà máy nhiệt điện bã mía Gia Lai, do Công ty Hữu hạn xây lắp số 1 làm nhà thầu chính. Đoàn kiểm tra phát hiện có 22 lao động người Trung Quốc đến làm việc không có giấy phép lao động".

Về việc xử lý, bà Thanh, cho biết, Sở đã căn cứ tại khoản 2 điều 22 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Sở Lao động – TB&XH Gia Lai đã lập Biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị với UBND tỉnh xử lý vi phạm đối với Công ty hữu hạn xây lắp số 1- Tập đoàn xây dựng Quảng Tây – Trung Quốc về việc sử dụng 22 lao động mà không có giấy phép lao động.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 22/8/2014 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty hữu hạn xây lắp số 1- Tập đoàn xây dựng Quảng Tây – Trung Quốc với số tiền 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng)".

Ngay sau khi nhận được quyết định, bà Thanh cho biết: "Ngày 25/8/2014 Công ty hữu hạn xây lắp số 1- Tập đoàn xây dựng Quảng Tây – Trung Quốc đã nộp phạt tại Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – chi nhánh Gia Lai với số tiền 60.000.000 đồng".

Cái khó của việc xử lao động trái phép

Qua một số vụ việc nêu trên, Sở LĐTBXH nhận thấy việc quản lý và sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh Gia Lai hiện nay còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, bà Thanh cho biết: "Theo quy định của Chính phủ việc cấp giấy phép lao động nước ngoài đến làm việc tại địa bàn trước khi cấp thị thực cho người lao động nước ngoài nhập cảnh, nhưng hiện nay rất nhiều lao động là người Trung Quốc đã được Công an cấp Visa vào Việt Nam để lao động trong khi chưa làm thủ tục cấp phép lao động gây khó khăn cho Sở LĐTBXH trong quản lý lao động người nước ngoài".

Thêm nữa, theo bà Thanh, việc chấp hành các quy định của Nhà nước về việc tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài vào làm việc tại Gia Lai của một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đúng quy định; việc báo cáo về tình hình lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp chưa đầy đủ gây khó khăn trong việc quản lý lao động người nước ngoài.

Để quản lý tốt người lao động nước ngoài đến làm việc, Sở LĐTBXH đã đề nghị Công an tỉnh, chính quyền địa phương phối hợp với Sở LĐTBXH nắm chắc tình hình lao động nước ngoài đến làm việc tại địa bàn, đồng thời hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài chấp hành đúng pháp luật Việt Nam về quản lý và sử dụng lao động nước ngoài.

Trước đó, chia sẻ với Đất Việt, ngày 10/3, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH cho biết: "Tất cả các sai phạm về lao động thì cứ đối chiếu theo quy định xử phạt hành chính đã được Bộ đưa ra. Do đã có quy định nên quan trọng là các tỉnh phát hiện và xử lý như thế nào".

Hơn nữa, theo bà Vân thì việc xử phạt cũng cần có sự phối hợp giữa các Sở, ngành trong tỉnh, một cách hiệu quả.

Nhìn nhận ở góc độ khác, bà Vân cho hay: "Việc quản lý lao động Trung Quốc hiện nay, đã có nhiều quy định mới, trước đó, quy định cũ hơi có nhiều vướng mắc".

Hiện nay, theo bà Vân, Luật xuất nhập cảnh đã hướng đến mục tiêu quản lý, nếu lao động nước ngoài muốn vào làm việc thì phải có giấy phép, lúc đó mới cho nhập cảnh, nên chắc chắn thời gian tới sẽ hạn chế được những đối tượng vào làm việc không có giấy phép.
Theo Báo Đất Việt