Gia Lai: Dạy nghề, chỉ việc cho hàng ngàn phạm nhân

(Dân trí) - Dù đang thụ án ở Trại giam Gia Trung nhưng hàng ngàn phạm nhân vẫn được tạo điều kiện để học nghề. Khi trở về với xã hội, họ có thể sống bằng sức lao động của mình và giảm tỷ lệ tái phạm.

Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đứng chân trên địa bàn xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Khi về đây, chúng tôi cảm nhận được sự phấn đấu để hoàn lương của những người từng đi vào con đường lầm lỗi.

Tùy vào khả năng của mỗi người để chọn từng nghề phù hợp. Ai cũng mong muốn khi trở về với xã hội sẽ có một nghề để làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế nhằm chuộc lại những lỗi lầm mình đã mắc phải.

Gia Lai: Dạy nghề, chỉ việc cho hàng ngàn phạm nhân - 1
Từ không có việc làm khiến các thanh niên ăn chơi và rơi vào con đường tội lỗi. Tuy nhiên, khi vào trại giam các phạm nhân đã được học nhiều nghề để sau này trở lại xã hội có thể nuôi sống được bản thân mình và gia đình

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Ba (Giám thị Trại giam Gia Trung) cho biết: “Việc giáo dục, cảm hóa phải gắn liền với dạy nghề cho phạm nhân. Đây là việc làm hết sức cần thiết góp phần làm chuyển biến nhận thức và tạo điều kiện cho các phạm nhân sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, giúp họ tự kiếm sống bằng nghề đã học ở trại. Dựa vào nhóm tuổi, trình độ văn hóa, trại đã bố trí cho các phạm nhân những nghề thích hợp.”.

Gia Lai: Dạy nghề, chỉ việc cho hàng ngàn phạm nhân - 2
Dựa vào sức lao động, trình độ văn hóa để cho các phạm nhân chọn lừa nghề để học

Là người “cầm tay, chỉ việc” cho từng phạm nhân, Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh (Phụ trách Kế hoạch, hướng nghiệp dạy nghề và xây dựng của trại Gia Trung) dẫn chúng tôi đến thăm từng khu dạy nghề trong các phân trại.

Trung tá Quỳnh cho biết: “Ngoài việc quản lý, giam giữ, trại giam rất quan tâm đến công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Hiện nay, trại đang kết hợp với các trường CĐ Nghề để dạy một số nghề như: sửa xe máy, nề, xây dựng, điện dân dụng, máy cơ khí, thêu, trồng trọt...”.

Qua đó nhằm giúp cho phạm nhân có được cái nghề để họ tự nuôi sống mình. Thông qua công tác dạy nghề, hầu hết phạm nhân đã nêu cao tinh thần tự giác trong lao động, tập trung cải tạo tốt và tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp, dần nâng cao tay nghề.

Gia Lai: Dạy nghề, chỉ việc cho hàng ngàn phạm nhân - 3
Sau khi học nghề, Ban giám thị đã chủ động kết hợp với xã và các công ty để hỗ trợ việc làm cho các phạm nhân sau khi mãn hạn tù

Phạm nhân N.V.B.  (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) thụ án tại Phân trại 3 (Trại giam Gia Trung) chia sẻ: “Em ở trại được gần 3 năm. Khi mới vào trại, em được phân công vào đội 10, công việc chính là làm điện nước. Do mới làm quen với nghề này nên ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ quản giáo nên khoảng hơn 20 ngày học em đã học được nghề và khoảng 6 tháng học em được cấp chứng chỉ nghề điện nước.”.

Phạm nhân N.V.B. bộc bạch thêm: “Vì không có nghề nghiệp nên em mới theo nhóm bạn tham gia buôn bán ma túy và phải nhận mức án là 7 năm 6 tháng tù cho những lỗi lầm mà mình gây ra. Thời gian cải tạo ở đây em hiểu rằng, con đường nhanh nhất để trở về đó chính là chăm chỉ cải tạo và học nghề để sau này khi trở về có thể làm lại cuộc đời, sống bằng sức lao động của mình".

Gia Lai: Dạy nghề, chỉ việc cho hàng ngàn phạm nhân - 4
Các phạm nhân đang học nghề điện nước trong trại giam Gia Trung

Phạm nhân Kpă K. (SN: 2.000, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), đang thụ án 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người tại Phân trại số 3 (Trại giam Gia Trung), cho biết: “Em vào đây hơn 1 năm, lúc trước do theo bạn bè đi chơi rồi đánh nhau với nhóm khác. Khi vào đây, em đã được theo học lớp học nghề nề. Giờ đây, tay nghề em đã cứng nên mong sau này sẽ tìm được việc làm phù hợp”.

Được biết, sau khi những phạm nhân đã thành thạo công việc, ban giám thị trại giam phân bổ về các đội sản xuất để giúp cho những phạm nhân mới học nghề.

"Với cách làm này, rất nhiều phạm nhân đều thông thạo một nghề nhất định. Để các phạm nhân có điều kiện tốt nhất, trại giam đã phối hợp với địa phương để có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ phạm nhân sống được với những nghề mình đã học trong trại giam.”, Đại tá Nguyễn Đình Ba nhấn mạnh.

Phạm Hoàng