Gia hạn Bản thỏa thuận đặc biệt về tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc

(Dân trí) - Theo thông tin từ Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã được gia hạn sau khi Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm & Lao động Hàn Quốc ký gia hạn Bản thỏa thuận đặc biệt hôm 10/4.

Gia hạn Bản ghi nhớ đặc biệt về tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc

* Bản thỏa thuận đặc biệt (MOU) sẽ mở ra cơ hội cho 2.900 người lao động đã đạt yêu cầu qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn thông thường, các kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt từ tháng 12/2011 đến nay.

Đồng thời, những lao động đã thi đỗ trong các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012, tháng 8/2012 và tháng 3/2014 vừa qua nhưng chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn; Những lao động về nước đúng thời hạn và đã đạt một trong các kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt tổ chức sau tháng 12/2011 mà chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.

Thỏa thuận đặc biệt được ký kết đúng vào thời điểm phía Hàn Quốc giới thiệu lao động đợt 2 năm 2015 cho các chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Từ nay đến cuối năm 2015, Hàn Quốc sẽ dành 36.000 chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc theo chương trình EPS, trong đó đợt này sẽ có khoảng 13.000 người lao động được tuyển dụng.

Được biết, phía Việt Nam sẽ đưa lên mạng 5.400 hồ sơ lao động đạt yêu cầu trên. Phía chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn tối đa 2.900 hồ sơ lao động để sang làm việc. Năm 2013, Bản thỏa thuận lần đầu cũng cho phép tối đa 2.900 hồ sơ của lao động Việt Nam được tuyển chọn. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ chọn được 2.800 hồ sơ.

* Trước đó, Bản thỏa thuận đặc biệt ký giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động& Việc làm Hàn Quốc lần đầu tiên được ký kết vào năm 2013. Hơn 5.000 lao động Việt Nam nhờ đó có cơ hội sang làm việc tại Hàn Quốc.

Sau thời hạn 1 năm, Bản ghi nhớ đã hết hạn vào ngày 31/12/2014. Việc tạm dừng ký tiếp đã làm gián đoạn cơ hội việc làm của hơn 10.000 lao động Việt Nam có nhu cầu sang làm việc tại Hàn Quốc.

Nguyên nhân chính của việc gián đoạn do tình trạng nhiều lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Theo Bộ LĐ-TB&XH, lao động Việt Nam bỏ trốn tại thị trường Hàn Quốc dẫn đầu trong số 15 nước phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Số liệu ước tính thời điểm cuối năm 2014, khoảng 16.000 lao động (chiếm trên 30 % số lao động phải về nước đúng hạn) bỏ trốn tại Hàn Quốc.

Để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhiều giải pháp như: Đưa cán bộ tới 13 tỉnh, thành có nhiều lao động bỏ trốn để vận động gia đình lao động kêu gọi con, em về nước; xử phạt hơn 300 trường hợp không về nước; yêu cầu lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc đóng ký quỹ 100 triệu đồng/người…

Hoàng Mạnh