Dùng "chiêu song kiếm hợp bích", nông dân Việt bán dao làng sang Đức

Kết hợp công nghệ hiện đại và bí quyết nghề rèn truyền thống kiểu "song kiếm hợp bích", các sản phẩm dao dân dụng của người nông dân Ngô Thanh Quang có chất lượng vượt trội và chinh phục những thị trường khó tính ở châu Âu, đặc biệt là nước Đức.

Ứng dụng máy móc vào nghề rèn truyền thống

Về làng rèn An Tiêm (một trong những làng rèn truyền thống lâu đời nhất Việt Nam) đi đâu cũng thấy những tiếng kêu lách cách của máy móc, thi thoảng xen lẫn những tiếng nói to của những người buôn dao.

Trên con đường làng, lái buôn tấp nập thu mua dao. Vừa gặp, ông Ngô Thanh Quang (SN 1976, trú tại thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) tay bắt mặt mừng khoe ngay: "Những con dao nhà tôi làm ra rất sắc và có độ bền cao nữa, anh cầm thử mà xem, mẫu mã và chất lượng thì nhà tôi đứng số 1 ở cái làng An Tiêm này”.

Dùng chiêu song kiếm hợp bích, nông dân Việt bán dao làng sang Đức - 1

Ông Ngô Thanh Quang là một trong những hậu duệ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của nghề rèn truyền thống làng An Tiêm. Theo truyền thuyết, nghề rèn của làng An Tiêm tính đến nay đã trãi qua 730 năm.

Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông Quang dãi bày, làng rèn An Tiêm là một trong những làng rèn lâu đời nhất Việt Nam. Trải qua  bao thăng trầm của lịch sử, hơn 730 năm qua nghề rèn cũng bị mai một khá nhiều, dù sản phẩm có chất lượng rất tốt.

Nguyên nhân chính là vẫn làm thủ công nên giá thành sản phẩm cao và không cạnh tranh được với các sản phẩm làm hoàn toàn bằng tự động hóa từ các nhà máy, xí nghiệp, công ty...

Khi đó, cũng như nhiều người khác trong làng, nhiều lúc ông Quang cũng chán nản, định bỏ nghề vì đồng công quá bèo bọt, trong khi nhiều công việc khác thu nhập cao hơn, thậm chí theo chúng bạn ra thành phố xách vữa hồ thì ngày cũng kiếm được đôi ba trăm ngàn.

Nhưng mỗi lần nghĩ bỏ nghề lại khiến người nông dân này thêm day dứt. Ông Quang day dứt bởi tiếc công lao của ông cha bao đời để lại, giờ lại bỏ thì chẳng nỡ lòng nào.

Sau khi hiểu ra vấn đề, ông Quang mới nhận thấy việc áp dụng công nghệ vào sản xuất các sản phẩm truyền thống là một việc sống còn của nghề. Phải áp dụng máy móc vào sản xuất mới giảm được sức người, nâng cao chất lượng, tăng sản lượng và đặc biệt có giá cả cạnh tranh.

Nói là "ĐôngTây kết hợp"-đó là áp dụng công nghệ hiện đại để đẩy nhanh năng suất, làm đẹp sản phẩm và áp dụng kinh nghiệm, bí quyết trăm năm của nghề rèn để nâng cao chất lượng, độ bền, độ sắc của sản phẩm làng rèn.

 “Lúc đó tôi nghĩ mãi, chỉ có cách đưa máy móc hiện đại vào mới vực lại nghề rèn truyền thống hàng trăm năm của cha ông để lại. Thậm chí, nếu đưa máy móc hiện đại vào nghề rèn thì người làm nghề còn có nhiều cơ hội phát triển hơn, "phát dương quang đại” nghề của ông cha để lại", ông Quang nhớ lại.

Dùng chiêu song kiếm hợp bích, nông dân Việt bán dao làng sang Đức - 2

Những chiếc dao của người nông dân Ngô Thanh Quang có mặt tại bếp ăn của một số gia đình bên Đức.

Ông Ngô Thanh Quang cho biết, nếu như trước đây làm thủ công thì tối thiểu phải có từ 2-3 người mới rèn được dao, dù mất nhiều sức lực nhưng cả ngày cũng chỉ làm được tối đa 20 con dao dân dụng. Còn từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất, tiết kiệm được sức lao động, sản phẩm chất lượng cao hơn, mẫu ma dao đẹp hơn và đặc biệt năng suất lao động tăng lên gấp 10 lần

Các công đoạn vất vả nhất của nghề rèn truyền thống được máy móc làm thay con người, ví dụ công đoạn làm phôi dao trước kia được coi là vất vả nhất thì nay công đoạn này quá đơn giản. Chỉ việc cho miếng sắt đó vào máy cán phôi dao là nó cán theo kích thước và độ dày mà mình mong muốn, các công đoạn khác hầu như đều có máy móc hỗ trợ hết cả.

“Chắc anh không sinh ra và lớn lên ở làng rèn thì anh không biết cái nghề này ngày xưa nó cực tới cỡ nào đâu, nhất những ngày hè nóng nực. Một người ngồi cố định miếng sắt, 2 người còn lại dùng búa sắt nặng hơn 3kg cứ thay nhau đập, đập huỳnh huỵch mãi mới được cái phôi dao ưng ý. Nghĩ lại mà thấy cực lắm!"- ông Quang tâm sự.

Dùng chiêu song kiếm hợp bích, nông dân Việt bán dao làng sang Đức - 3

Ông Ngô Thanh Quang đang khoe với phóng viên những sản phẩm dao dân dụng chất lượng cao chuẩn bị được xuất khẩu sang thị trường nước Đức - một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhập khẩu.

Vực lại nghề truyền thống, mở ra cơ hội làm giàu

Ông Ngô Thanh Quang vui vẻ chia sẻ, những con dao mà xưởng ông làm ra không những có mặt khắp thị trường trong nước mà còn chinh phục các thị trường nước ngoài khó tính khác, trong đó có thị trường Đức. Đây là một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu, yêu cầu cực kỳ cao về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.

“Sau một thời sử dụng, khách hàng bên Đức họ rất hài lòng về chất lượng dao như độ bền cao, lưỡi dao lại rất sắc. Đặc biệt, khách hàng Đức người ta lại rất thích về tay nắm của dao và khuya dao. Tay nắm của con dao dân dụng được chúng tôi làm thủ công và lại bằng chất liệu bằng gỗ tạo cảm giác êm, thật tay khi cầm và có tính truyền thống, họ bảo giống kiểu handmade gì đấy” -ông Quang tiết lộ.

Sự thành công của cơ sở rèn truyền thống do ông Quang làm chủ đã khiến nhiều người địa phương nói vui rằng: "Ông Quang đã áp dụng "Đông Tây kết hợp"; dùng "chiêu song kiếm hợp bích" nên đã "phát dương quang đại" được nghề rèn truyền thống.

Dùng chiêu song kiếm hợp bích, nông dân Việt bán dao làng sang Đức - 4

Dao của nông dân 4.0 Ngô Thanh Quang xuất hiện trên một livestream bán hàng tại Đức.

Nói thêm về chất lượng sản phẩm dao dân dụng, ông Quang cho hay, những con dao được sản xuất từ xưởng của gia đình ông sử dụng vật liệu thép carbon, dưới bàn tay người thợ lành nghề, trải qua 22 bước như đánh nóng tạo phôi, đàn, trôi, mài... theo phương thức bí truyền làng nghề và của riêng nghệ nhân để tạo nên thành phẩm. Không dừng lại ở những loại chất liệu phổ thông, cán dao được sử dụng các loại gỗ lim, nghiến, xoan..., tùy theo kiểu dáng, chủng loại và yêu cầu của khách hàng. 

Đến nay, ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, đều đặn mỗi tháng gia đình ông Quang xuất xưởng sang thị trường Đức hơn 4.000 sản phẩm gồm các loại dao dân dụng với giá bán trung bình khi xuất xưởng từ 50 - 150.000 đồng/sản phẩm., thu về gần 300 triệu đồng.

Dùng chiêu song kiếm hợp bích, nông dân Việt bán dao làng sang Đức - 5

Nhờ áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất sản phẩm truyền thống, không những ông Quang khôi phục được nghề rèn truyền thống của làng mà còn vươn lên làm giàu.

Từ những sản phẩm thông dụng với tính năng đơn thuần, đến nay, xưởng của ông Quang đã có gần  20 mẫu dao dân dụng, đa dạng về kiểu dáng và công năng sử dụng. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, phổ biến sản phẩm trên thị trường Việt Nam, ông Quang đã tìm cách nâng giá trị, từng bước đưa sản phẩm của làng rèn An Tiêm ra thị trường thế giới, từ đó gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề.

Hiện nay, xưởng rèn dao của gia đình ông Ngô Thanh Quang đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức lương ổn định từ 4,5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.

Trong đó, hơn 70% số người lao động đạt mức lương trên 10 triệu đồng/tháng, một mức lương cực kỳ hấp dẫn ở vùng quê thuần nông.

Theo Phạm Quân/Danviet.vn