1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đức: Trả lương ở nhà để tránh sa thải hàng loạt nhân viên vì dịch Covid-19

Chương trình Kurzarbeit được thiết kế nhằm hỗ trợ các công ty vượt qua thời kỳ khó khăn mà không phải tìm đến phương án cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Đức: Trả lương ở nhà để tránh sa thải hàng loạt nhân viên vì dịch Covid-19 - 1
Chỗ đỗ xe cho nhân viên không một bóng người tại nhà máy Volkswagen. Ảnh: ZUMA PRESS

Kaluza + Schmid GmbH, một công ty ở Berlin (Đức) chuyên tổ chức các hội chợ thương mại, sự kiện cho doanh nghiệp, đã có 1 năm ăn nên làm ra. Giám đốc điều hành công ty Ruediger Koch cho biết lịch trình của ông dày đặc đến nỗi ông phải từ chối bớt dự án.

Tuy nhiên, vào cuối tháng Hai, khi Chính phủ Đức và các quốc gia khác phải gồng mình đối phó với sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), hàng loạt sự kiện bị hủy.

Chỉ trong vài ngày, công ty có quy mô 80 người này đã mất khoảng 30 dự án với tổng giá trị lên tới 1,6 triệu euro - tương đương 1/6 doanh thu hàng năm của công ty.

Tuy nhiên, Koch đã có một quyết định khiến nhiều quản lý tại Mỹ nếu rơi vào hoàn cảnh đó bất ngờ: thay vì sa thải nhân viên, ông cho phép họ nghỉ tại nhà và vẫn được hưởng lương.

Nhà doanh nhân này cho biết quyết định được đưa ra dựa trên chương trình chính phủ hỗ trợ có tên gọi Kurzarbeit, tạm dịch là "rút ngắn thời gian làm việc".

Ra đời sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II tại Đức, chương trình Kurzarbeit được thiết kế nhằm hỗ trợ các công ty vượt qua thời kỳ khó khăn mà không phải tìm đến phương án cắt giảm nhân sự hàng loạt. 

“Nếu không nhờ chương trình này, chúng tôi sẽ phải sa thải nhiều người.  Nhưng giờ chúng tôi có thể giữ được họ”, Giám đốc Koch cho hay.

Chương trình hỗ trợ Kurzarbeit thường chi trả 60% tiền lương vốn dĩ được trả cho người lao động (67% cho những người có con). Các công ty vẫn có trách nhiệm trả lương trước cho nhân viên, nhưng sau đó họ sẽ nộp đơn để xin chính phủ hoàn tiền. 

Mặc dù các quy định về luật lao động ở châu Âu thường được miêu tả như chiếc phanh hãm tăng trưởng kinh tế vì chúng ngăn cản các công ty tuyển dụng và sa thải theo ý muốn, nhưng với tình hình đại dịch hiện nay, những ưu điểm của các chương trình như Kurzarbeit tại Đức lại dần được bộc lộ.

Một số quốc gia châu Âu khác, như Pháp, Italy và Hà Lan, cũng cho phép các công ty phụ thuộc vào tiền của chính phủ để trả lương cho nhân viên trong các giai đoạn khó khăn.

“Chương trình Kurzarbeit cho phép các công ty vượt qua cơn khủng hoảng mà không phải lỗi do họ và nhanh chóng hoạt động trở lại một khi tình hình được cải thiện. Đây là một mô hình được các nhà khoa học ủng hộ và đã chứng minh tính hiệu quả trong quá khứ”, Markus Helfen – một nhà nghiên cứu chuyên về nhân sự tại Đại học Tự do Berlin – giải thích.

Theo truyền thống trước kia, những người hưởng lợi chính từ Kurzarbeit là các nhà sản xuất. Họ tìm đến chương trình trong thời kỳ hạn hán kéo dài hoặc xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn như cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Vào thời điểm đó, có tổng cộng 1,5 triệu công nhân Đức được hưởng chương trình rút ngắn thời gian làm việc.

Quan chức trong chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel ước tính con số đó trong năm nay sẽ rơi vào khoảng 2,15 triệu người, với tổng chi phí lên tới 10 tỷ euro. Trên thực tế, làn sóng tìm đến sự hỗ trợ của chính phủ đang ngày một lớn dần. Tính đến ngày 20/3, đã có khoảng 76.700 công ty nộp đơn xin tham gia chương trình Kurzarbeit.

Tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ hai trên thế giới Volkswagen, vừa đóng cửa các nhà máy trên khắp châu Âu, dự kiến sẽ cho 80.000 nhân viên tại Đức được hưởng chế độ rút ngắn thời gian làm việc.

Trong khi đó, đối thủ Daimler AG lại áp dụng chế độ đó cho 170.000 nhân viên từ ngày 6/4. Công ty sản xuất thời trang thể thao Puma cho biết cũng sẽ cắt giảm giờ làm cho 1.400 nhân viên.

Hệ thống hỗ trợ Kurzarbeit của Đức không phải không có khuyết điểm. Liên đoàn lao động Verdi cho biết nguồn trợ cấp của chính phủ không đủ lớn để giúp những người lao động trong các ngành công nghiệp lương thấp như khách sạn và nhà hàng.

Một số chủ doanh nghiệp nhỏ đang rất lo lắng về chính sách này. Sam Kamran, ông chủ 5 quán ăn và quán cà phê ở Frankfurt có khoảng 140 nhân viên, cho hay anh không đủ khả năng về tài chính để chờ chính phủ hoàn lại tiền, vì khoản lương cho nhân viên mỗi tháng là rất lớn. “Bạn không thể đơn giản là dùng tiền tiết kiệm trả trước số tiền đó được”, Kamran chia sẻ.

Theo Hồng Hạnh/baotintuc.vn