1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đồng Nai: Gần 8.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, đã có khoảng 150 công ty báo cáo tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tương ứng khoảng 60.000 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng.

Trong đó, khoảng 8.000 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Số NLĐ còn lại thì bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng, hoặc thoả thuận nghỉ không lương, bố trí ngày nghỉ phép thường, nghỉ phép hằng năm…

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, đã có khoảng 150 công ty báo cáo tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tương ứng khoảng 60.000 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng.

Trong đó, khoảng 8.000 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Số NLĐ còn lại thì bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng, hoặc thoả thuận nghỉ không lương, bố trí ngày nghỉ phép thường, nghỉ phép hằng năm…

Đồng Nai: Gần 8.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động - 1
Công nhân Nguyễn Minh Đăng bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: Hà Anh Chiến

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ làm việc lâu năm

Tại Đồng Nai, một số công ty (Cty) hoạt động kinh doanh trong ngành gỗ đang xin ý kiến cơ quan chức năng để đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tạm hoãn hợp đồng với nhiều NLĐ.

Cụ thể, Cty S.L (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đang xin ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đồng Nai về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho khoảng 1.000 NLĐ với lý do liên quan COVID-19.

Ông Cao Duy Thái - Phòng Chính sách-Lao động, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai - xác nhận thông tin này. Và ông Thái cho biết, Cty đang hỏi ý kiến sở về quy trình thực hiện, nhưng Cty chưa xong nên chưa có số liệu cụ thể.

Tuy nhiên, cán bộ công đoàn (CĐ) LĐLĐ tỉnh Đồng Nai chia sẻ, trong khi đang chờ xin ý kiến từ cơ quan chức năng, nhiều NLĐ tại Cty S.L trong quá trình thoả thuận đã tự viết đơn xin nghỉ việc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của chính NLĐ.

Đáng nói hơn, NLĐ đã có nhiều năm làm việc, có cả những NLĐ lớn tuổi. Như trường hợp của chị B.N.T - NLĐ làm 15 năm tại Cty S.L, cùng chồng là anh N.V.L cũng đã làm 12 năm tại Cty. Hiện hai vợ chồng chị T có thu nhập khá cao.

Thậm chí, có Cty còn tự động đơn phương chấp dứt HĐLĐ đối với NLĐ. Ông Nguyễn Minh Đăng - NLĐ Cty TNHH K.E.P (KCN Biên Hoà 1, Đồng Nai) - cho hay, ông đã làm việc được 10 năm ở Cty, có hợp đồng không xác định thời hạn, thì bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng do dịch COVID-19.

“Tôi rất hoang mang vì trước đó tôi vẫn làm việc bình thường và không bị kỷ luật gì của Cty” - ông Đăng nói.

Cụ thể, ngày 8.4, Cty TNHH K.E.P đưa ra lý do: “Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của Cty. Dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng Cty buộc phải thu hẹp sản xuất. Do đó, Cty thông báo chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Minh Đăng kể từ ngày 25.5.2020”.

Ông Đăng bức xúc cho rằng: “Nếu Cty khó khăn, tôi có thể tạm nghỉ việc ở nhà, hưởng mức lương thấp hơn nhưng lại bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ”.

NLĐ gặp vô vàn khó khăn

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Cao Duy Thái - Phòng Chính sách-Lao động, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai - nói rằng, hiện nay, sở nhận được khoảng 150 Cty báo cáo tình hình khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Các Cty xây dựng phương án sử dụng lao động, từ thoả thuận nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng, đến bố trí ngày nghỉ hằng năm, đơn phương chấm dứt HĐLĐ, việc thực hiện chế độ cho NLĐ tương ứng vào từng phương án đó. Sở LĐTBXH hoặc Ban Quản lý các KCN sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng Cty.

“Hiện số lao động bị ảnh hưởng khoảng trên 60.000 người, trong đó số chấm dứt HĐLĐ gần 8.000. Số NLĐ còn làm việc có thể bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng hoặc thoả thuận nghỉ không lương, bố trí ngày nghỉ phép thường, nghỉ phép hằng năm… Ngoài ra, có Cty có số lượng ít lao động, tự thực hiện mà không báo cáo lên sở. Do đó, con số thực tế có thể cao hơn” - ông Thái cho biết.

Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho rằng, nếu NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ ở thời điểm hiện tại thì sẽ gặp vô vàn khó khăn do khó xin được việc làm. Việc xin xác nhận cho hồ sơ xin việc tại Cty mới cũng rất khó khăn. Kể cả việc về quê cũng gặp khó khăn do việc đi lại đang bị hạn chế.

Do đó, NLĐ cần bình tĩnh, cẩn thận khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) đưa ra thoả thuận, nên liên hệ các cơ quan tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ để được hướng dẫn.

Ngoài ra, ông Hà cho biết thêm, mặc dù luật quy định, Cty có quyền áp dụng điểm C khoản 1 điều 38 Bộ luật Lao động để đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ, nhưng luật cũng xác định rõ nếu Cty gặp thiên tai hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất giảm chỗ làm việc thì Cty mới được cho NLĐ thôi việc.

Tuy nhiên hiện nay, một số trường hợp Cty chưa có chứng minh đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc, dẫn tới việc quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Hà Anh Chiến/Lao động