Đóng liên tục bảo hiểm thất nghiệp trong 10 năm, mức hưởng ra sao?

(Dân trí) - Tính chế độ ra sao khi người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong 10 năm liên tục, chủ hộ kinh doanh cá thể có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, quá hạn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp có được áp dụng lại?...Đây là những băn khoăn của bạn đọc tại Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2019.

Chương trình do Báo điện tử Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện sáng 24/9 tại Hà Nội.

Tham dự chương trình có các khách mời: Bà Hoàng Thị Kim Chi Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH); Bà Nguyễn Thị Kim Loan Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội).

Bày tỏ băn khoăn về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn đọc David Cường viết: “Mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động nhận được hiện nay là bao nhiêu nếu người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ ngày 01/01/2009 đến nay?”. 

Đóng liên tục bảo hiểm thất nghiệp trong 10 năm, mức hưởng ra sao? - 1
Bà Hoàng Thị Kim Chi, Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) giải đáp thắc mắc của bạn đọc.

Bà Hoàng Thị Kim Chi, Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ ngày 1/1/2009 đến nay thì theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động nhận được là: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa bằng 5 lần mức lương tối thiểu vùng  tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Hiện mức lương tối thiểu vùng 1 là 4.180.000 đồng. Do vậy, mức hưởng sẽ là: 5 x 4.180.000 đồng = 20.900.000 đồng.

“Với tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn là: 10 tháng. Như vậy, số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động nhận được là: 10 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp x 20.900.000 đồng/tháng =  209.000.000 đồng” - bà Hoàng Thị Kim Chi nói.

Chia sẻ hoàn cảnh đặc thù, bạn đọc Nguyễn Văn Phước gửi câu hỏi tới bà Nguyễn Thị Kim Loan: “Tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 5 năm 2017 thì nghỉ việc. Mức lương đóng BHXH của tôi trước khi nghỉ việc là 4 triệu đồng. Khi tôi nghỉ việc đến nay tôi không làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Phước hỏi: Cá nhân muốn lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp thì có được không và được thì được bao nhiêu?

Trả lời băn khoăn trên, bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồnglao động hoặc hợp đồnglàm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

“Như vậy, trường hợp của bạn nghỉ việc từ tháng 5/2017 đến nay đã quá hạn làm thủ tục nhận BHTN. Tuy nhiên, bạn vẫn được bảo lưu thời gian đóng BHTN chưa hưởng để cộng dồn cho lần hưởng sau nếu bạn đủ điều kiện hưởng BHTN” - bà Nguyễn Thị Kim Loan nói.

Hộ kinh doanh cá thể có tham gia BHTN? 

Một bạn đọc gửi câu hỏi: “Nếu chủ hộ kinh doanh cá thể có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc trong đó có bảo hiểm thất nghiệp không?”. Bà Hoàng Thị Kim Chi trả lời: Theo quy định tại điều 43 của Luật việc làm thì chủ hộ kinh doanh cá thể không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Văn Minh