1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất không tăng lương: Không cò kè 3% hay 5% mà...

Về phương diện học thuật, chính sách tiền lương cần phải có một lộ trình ổn định, được dự báo trước, tránh gây sốc cho doanh nghiệp.

Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 lên 8,0% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ gây tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và có thể khiến doanh nghiệp bị sốc.

Tăng lương cần phải căn cứ trên năng suất lao động. Ảnh minh họa
Tăng lương cần phải căn cứ trên năng suất lao động. Ảnh minh họa

Ông Giám nhận định, việc tăng lương tối thiểu thường xuyên hàng năm có thể tạo tâm lý "vui tươi" cho người lao động, nhưng lại gây ra những khó khăn nhất định cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Tổng thư ký VPSF phân tích: Tác động trước hết là việc tăng lương không có kế hoạch, không được dự báo trước sẽ gây bất ngờ, khiến doanh nghiệp không chủ động được trong việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Việc này sẽ tác động tới tính ổn định, bền vững của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc năm nào cũng tăng lương sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tổng thư ký VPSF cho biết, lý lẽ khi đề xuất tăng lương bao giờ cũng được lý giải là vì người lao động, tuy nhiên, trên thực tế, mức thu nhập của người lao động lại luôn gắn với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Lương tối thiểu chỉ là một cơ sở để doanh nghiệp căn cứ vào đó trả lương cho người lao động chân tay, có trình độ thấp (lao động giản đơn - PV). Người lao động muốn có thu nhập tốt hơn thì phải dựa vào năng lực, trình độ, dựa trên chất lượng lao động cũng như hiệu suất lao động mà người lao động cung cấp cho doanh nghiệp. Đó mới là cơ sở để doanh nghiệp quyết định trả lương cho người lao động ở mức bao nhiêu, thu nhập của người lao động thế nào là hợp lý.

Vì thế, trong trường hợp này, ông Giám cảnh báo, nếu liên tục tăng lương tối thiểu sẽ tạo tâm lý ỉ lại, khuyến khích lao động "giản đơn", lao động chân tay phát triển. Việc này đi ngược với mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy phát triển lao động có trình độ cao, lao động có kỹ năng, một yếu tố mà kinh tế Việt Nam đang rất yếu, rất thiếu và rất cần. Chỉ dựa vào lao động có trình độ cao mới có thể tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế.

Một gánh nặng nữa được ông Giám chỉ rõ là tăng lương, doanh nghiệp sẽ phải tăng tỉ trọng đóng BHXH cho người lao động. Việc này sẽ gây khó khăn rất lớn cho cả người lao động và cả doanh nghiệp.

Do đó, Tổng thư ký VPSF cho rằng, chính sách tiền lương cần phải cải cách theo hướng xây dựng một lộ trình ổn định, cụ thể để doanh nghiệp có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.

Tiếp theo, cơ chế xác định mức lương chi trả cho người lao động phải để doanh nghiệp quyết định và phải dựa trên năng suất lao động. Mức tăng lương có thể phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động để tương thích với sự phát triển của doanh nghiệp.

"Người sử dụng lao động không những cần phải tích lũy mà doanh nghiệp còn cần phải tích lũy trong biên độ an toàn và phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc, khi doanh nghiệp tạo ra được năng suất lao động cao hơn và tạo ra được tích lũy lớn hơn, doanh nghiệp sẽ có được nguồn thu để tái đầu tư, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp về lâu dài. Tư duy làm ra một đồng lại muốn tăng lương một đồng là tư duy "bóc ngắn cắn dài", gây bất lợi, thiếu ổn định cho giới kinh doanh", ông Giám phân tích.

Cuối cùng, vì những lo ngại trên, Tổng thư ký VPSF đề nghị Hội đồng chính sách tiền lương không nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm nay.

"Cò kè 3% hay 5% không phải mục tiêu của chúng tôi, quan điểm của chúng tôi là không nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm nay. Về lâu dài, chính sách tiền lương cần được xây dựng khoa học, theo lộ trình cụ thể, ổn định", ông Giám đề xuất.

Theo Hoài An/Báo Đất Việt