1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu”

(Dân trí) - Sáng nay (1/6), Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 tại trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội).

Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phát động với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em".

Đây là dịp nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tăng cường kiến thức về quyền trẻ em

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Tham dự tại buổi lễ phát động, Bộ trưởng đã giao lưu với các học sinh về những quyền của trẻ em và ấn tượng về cách truyền thông khi in thông điệp và số điện thoại Tổng đài 111 lên những chiếc quạt giấy.

“Đây là cách truyền thông tốt nhất, bên cạnh cách truyền thông phổ biến”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Dung cũng đặt nhiều câu hỏi về quyền trẻ em tới các học sinh Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội). 

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 2

Bộ trưởng giao lưu với các em học sinh

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa tổ chức giám sát tối cao chương trình hành động phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị số 23 về phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

Theo quy định tại Điều 11 Luật trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

“Tôi cho rằng trước hết phải khẳng định nhà nước và nhân dân, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo luôn dành cho trẻ em chúng ta những tình cảm, những sự chăm lo và phát triển tốt nhất. Trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an lành và phát triển”

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói: “Trong bầu trời chung đó vẫn có những đám mây đen phảng phất, dù rất nhỏ nhưng cũng có lúc không cẩn thận sẽ che đi mất bầu trời, che mất mặt trăng. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là làm sao xoá tan những đám mây đen đó. Đây chính là những lời cảnh báo, tuy rất ít nhưng vẫn cần cảnh báo. Nhiệm vụ của chúng ta là phải ngăn chặn, đẩy lùi tới khi không còn nữa”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, cần tổ chức các cuộc thi, các diễn đàn để trang bị những kiến thức về quyền của trẻ em, để các em biết được, giúp bảo vệ chính mình. Bộ trưởng cũng cho rằng sẽ tiến tới tổ chức các cuộc thi toàn quốc.

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 3

Tại buổi lễ, Bộ trưởng chụp ảnh với các cháu thiếu nhi

Trách nhiệm khi có xâm hại trẻ em

“Chúng ta có rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm việc chăm sóc trẻ em, nhưng hình như vẫn còn đang rời rạc. Chung tay là tất cả mọi cơ quan, mọi người, cả cộng đồng xã hội phải vì các em, bắt đầu từ các em và chăm lo cho các em. Chăm lo từ việc hoàn thành thể chế, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Chính sách pháp luật có nhiều và đầy đủ. Nhưng công tác tổ chức thực cần nghiêm minh và hiệu quả hơn.

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 4

Chương trình thu hút nhiều đại biểu ban, bộ, ngành

Theo Bộ trưởng, cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, thay đổi căn bản từ truyền thống cho đến các cách tiếp cận mới nhất, tuyên truyền từ chính các em, để các em biết phòng ngừa, đề kháng với những cái gì tác động từ bên ngoài.

“Phải xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm đến xâm hại, bạo lực, đặc biệt là thân thể trẻ em. Người đứng đầu của mọi cơ quan đơn vị phải trước hết là người chịu trách nhiệm. Nếu như trường nào đó, cơ sở nuôi dưỡng nào đó, gia đình nào đó mà xảy ra thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai. Phải xử lý ngay người đứng đầu”, Bộ trưởng đưa ra đề nghị xử lý nghiêm minh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong gia đình nếu diễn ra bạo lực, xâm hại thì người bố, người mẹ phải chịu trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm cho xã hội.

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 5

Nhiều câu hỏi của Bộ trưởng được các em học sinh trả lời

Bộ trưởng đưa ra mong muốn về 3 nhất: Phát hiện nhanh nhất, bất cứ ở

"Tôi hoan nghênh Toà án tối cao đã có Nghị quyết xử lý bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngành công an cũng đã và sẽ sửa đổi quy trình điều tra xử lý các hành vi xâm hại trẻ em", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

đâu, nơi nào và có biểu hiện thì gọi điện ngay tổng đài 111 để ngăn chặn ngay từ đầu; Xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất; Can thiệp nhanh nhất và tốt nhất cho các cháu, không được chậm trễ.

“Đối với các cơ quan, chúng ta có nhiều tổ chức, chắc chắn chúng ta phải đổi mới phối hợp, hành động và đặc biệt quan tâm tới hoạt động của các tổ chức xã hội, nhân viên xã hội. Mỗi thầy cô giáo, mỗi tổng phụ trách đội, mỗi anh chị, bác cán bộ hội phụ nữ, cán bộ mặt trận, cán bộ cựu chiến binh, các anh chị đoàn viên thanh niên phải thực sự là những cầu nối, là những người chung sức chung lòng nhiều nhất với các cháu”, Bộ trưởng nhắc nhở và đặt ra yêu cầu cần phải kiên quyết không để tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến hàng ngày.

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 6

Những học sinh nghèo nhận quà và học bổng trong buổi lễ.

Bộ trưởng cũng cho biết: “Tôi đã báo cáo với Chính phủ, trong thời gian tới đây phải đưa vào chỉ tiêu đánh giá xã, phường, đánh giá đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nếu để xảy ra tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em. Xã nông thôn mới nếu để xảy ra tình trạng này thì có xứng đáng không? Nhà trường để xảy ra tình trạng bạo lực thì có xứng đáng không?”.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam kêu gọi: "Trong tháng hành động vì trẻ em năm nay chúng ta hãy tư duy lại về đất nước và thế giới sau đại dịch Covid, nơi mà trẻ em cảm thấy an toàn và có thế phát triển tối đa, không bị xâm hại, bạo lực và bóc lột”.

“Để xảy ra bạo hành trẻ em là trách nhiệm của người đứng đầu” - 7

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam.

Tháng hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động tại xã, phường, tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.

Phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước mà Luật trẻ em còn quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội, gia đình, cá nhân; từ trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi, trường hợp xâm hại trẻ em cho các cơ quan có chức năng, thẩm quyền bảo vệ trẻ em cho đến truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em.

Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

1. Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

2. Giãn cách xã hội, cơ hội kết nối gia đình.

3. Gia đình cùng vui, đẩy lùi Covid.

4. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

6. Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình.

7. Hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe máy.

8. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.

9. Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

10. Trẻ em hãy học cách tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại.

11. Nói “không" với xâm hại trẻ em.

12. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại trẻ em.

Nội dung: Minh Anh

Hình ảnh: Chí Tâm, Giáp Tống, Minh Anh