Để bảo hiểm y tế không phải là "con bò sữa"

Cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trục lợi BHYT. Trong đó, nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện trong kiểm soát khám chữa bệnh.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế đang diễn ra rất phức tạp và trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Trả lời bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, đây là thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay và cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để sử dụng một cách hiệu quả nguồn quỹ này, chi trả đúng người, đúng bệnh, tránh thiệt thòi cho các bệnh nhân.

Người dân đến khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế tại 1 có sở khám chữa bệnh. Ảnh minh họa.
Người dân đến khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế tại 1 có sở khám chữa bệnh. Ảnh minh họa.

Theo các đại biểu, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề bảo hiểm y tế và Luật Bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân hưởng thụ quyền lợi này. Hiện nay, nước ta có hơn 70 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm trên 80%.

Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ cực kỳ quan trọng, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mỗi năm, quỹ bảo hiểm y tế đảm bảo nguồn tài chính chi trả cho người dân từ 50 – 60.000 tỷ đồng để khám, chữa bệnh. Đây là con số lớn. Tuy nhiên, thực tế, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hiện tượng trục lợi bảo hiểm y tế theo các dạng khác nhau như: chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện, cấp phát trùng thẻ, nhất là việc làm hồ sơ giả, đi khám chữa bệnh quá nhiều lần... Thậm chí, có người bệnh đi khám hơn 100 lần trong 4 tháng.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, nguyên Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, nguyên Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Về nguyên nhân để xảy ra tình trạng này, đại biểu Đỗ Văn Sinh, nguyên Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Có một số nguyên nhân. Bộ Y tế đang hoàn thiện các phác đồ điều trị các loại bệnh. Thứ 2 là vấn đề phân tuyến làm sao khoa học kết hợp với chính sách làm sao người dân được kiểm soát bệnh ngay từ đầu và ngay từ tuyến cơ sở để sàng lọc dần.

Vì cơ sở vật chất của chúng ta không thể đáp ứng tất cả nguyện vọng của người dân được vì vậy việc phân tuyến kiểm soát là cần thiết. Cùng đó, kỹ thuật tại các tuyến không đồng đều, dẫn đến người dân bao giờ cũng có xu hướng chuyển dịch lên chuyến trên có trang thiết bị và trình độ tốt hơn”.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, sau khi có quy định về thông tuyến khám bảo hiểm y tế, vấn đề trục lợi bảo hiểm y tế xuất hiện càng nhiều, nguy cơ vỡ quỹ càng lớn. Cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Trong đó, nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện trong vấn đề kiểm soát khám chữa bệnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh).
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh).

Bảo hiểm xã hội phải có hệ thống quản lý trên cả nước để kết nối, theo dõi được hồ sơ người bệnh, tránh hiện tượng người bệnh đi khám nhiều. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người tham gia bảo hiểm y tế, vì lợi ích chung của mọi người, đừng vì lòng tham của cá nhân mà lạm dụng hoạt động khám bệnh. “Việc siết chi bảo hiểm y tế cũng cần thiết nhưng ở mức độ nào đó. Cần có sàn, loại bệnh nào thì chi trả bao nhiêu. Đó là hình thức để tiết kiệm, chứ nếu các bệnh viện tùy tiện khi khám chữa bệnh thì cũng sẽ bội chi bảo hiểm y tế. Tuy nhiên cần xác định ở mức độ, phạm vi nào chứ cũng không nên quá chặt chẽ trong xây dựng khung này mà ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh của các bệnh viện”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Từ thực tế tại địa phương, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) thì cần phải tăng cường công tác giám định bảo hiểm y tế để đảm bảo chi trả đúng người, đúng bệnh.

Khi để xảy ra nhiều người lạm dụng, rút quỹ phải xem lại cách quản lý của quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, nên có nhiều mức đóng bảo hiểm y tế để cho những người dân có quyền lựa chọn tùy theo nhu cầu. Đây cũng là những biện pháp mà các nước tiên tiến đang áp dụng và phát huy hiệu quả.

“Không phải nhà nươc ôm một mình hết mà phải tăng cường thêm vai trò của bảo hiểm y tế tư nhân để xã hội hóa cùng nhau đóng góp. Thực tế bảo hiểm y tế đa số là do nhà nước trả tiền, mua cho người nghèo, người cận nghèo, nên vì trả thì giới hạn mức đóng khiêm tốn, khi muốn trả hết thì làm sao thuốc càng thấp càng tốt, viện phí càng thấp càng tốt. Như thế lại kéo theo chất lượng, chất lượng không đảm bảo thì mất uy tín của bảo hiểm. Thực chất bảo hiểm không lo được cho người thực sự cần. Chúng ta phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong vấn đề này”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.

Theo VOV.VN